Doanh nghiệp

Năm 2022, mục tiêu lớn nhất của AEON Việt Nam là lấy lại đà tăng trưởng

Để có thể duy trì được lộ trình đã đề ra, năm 2022 tốc độ phục hồi theo tham vọng người đứng đầu phải mạnh mẽ hơn, để bù đắp giai đoạn trước cũng như làm bệ phóng cho giai đoạn tiếp theo.

2022 là một năm rất quan trọng: Nếu không bắt kịp nhu cầu và thay đổi của khách hàng sẽ bị chậm trễ trên thị trường

"Từ thời điểm sau giãn cách và đặc biệt từ trước tết tới nay, kinh tế Việt Nam đã dần dần hồi phục, tình hình kinh doanh của AEON Việt Nam cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian giãn cách xã hội kéo dài vừa qua ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thói quen mua sắm, thói quen tiêu dùng của người dân.

Ví dụ như lượng khách hàng tới AEON vào buổi tối muộn thì ít hơn so với trước. Trong khi trước kia, nhiều khách hàng đi chơi, tới nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim khuya, còn hiện tại lượng khách giảm hơn nhiều. Bên cạnh đó, tần suất mua sắm của khách hàng cũng giảm, nhưng số lượng hàng hóa và giá trị giỏ hàng trong một lần mua tăng lên. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm ở những địa điểm gần nhà và xu hướng sử dụng kênh thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến cũng như các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng ngày một tăng. Nhìn chung sau dịch Covid, hành vi của khách hàng đã thay đổi hoàn toàn, đòi hỏi AEON Việt Nam cần có những chính sách mới, phù hợp, nhanh chóng để làm đà phát triển trong tương lai", ông Furusawa Yasuyuki – Tổng Giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ.

Với kinh nghiệm dày dặn, cùng những kỳ vọng từ Tập đoàn, ông Furusawa Yasuyuki sẽ là người tiếp tục dẫn dắt AEON Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường trọng điểm này. Năm 2022 được ông đánh giá một năm rất quan trọng, khi ngành bán lẻ cần có các giải pháp nhằm đáp ứng những nhu cầu và thay đổi của khách hàng.Minh chứng là nhiều nhà bán lẻ đã và đang thử nghiệm mở những cửa hàng, siêu thị quy mô nhỏ để phục vụ người dân; hay một số nhà bán lẻ khác cũng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và đa dạng phương thức thanh toán như thanh toán không tiền mặt.

Năm 2022, mục tiêu lớn nhất của AEON Việt Nam là lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Quầy thanh toán bán tự động tại các siêu thị AEON dành cho khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt

Tất cả những thay đổi về thói quen, hành vi tiêu dùng của khách hàng đều là những thách thức cho các nhà bán lẻ, trong đó có AEON Việt Nam. Nếu không có giải pháp để đáp ứng những thay đổi này, doanh nghiệp bán lẻ chắc chắn sẽ chậm trễ trong thị trường năm nay.

Hiểu được vấn đề, AEON Việt Nam đã sớm lên kế hoạch trong năm 2022, cụ thể: Tại thị trường phía Bắc, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu, nâng tổng số siêu thị từ số 7 lên 20 vào cuối năm nay. Tại TPHCM, AEON Việt Nam song song tiến hành đổi mới hệ thống siêu thị Citimart và chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop, cũng như thực hiện rất nhiều cải tiến và nâng cấp các siêu thị, trung tâm mua sắm hiện có để mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Năm 2022, mục tiêu lớn nhất của AEON Việt Nam là lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 2.

AEON Việt Nam luôn không ngừng cải tiến để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng

Ngoài ra, công ty cũng tập trung chú trọng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử và phát triển những sản phẩm nhãn hàng riêng. Những thay đổi và kế hoạch này đều hướng tới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và lấy lại đà tăng trưởng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

"AEON Việt Nam phải bứt phá để có thể duy trì mục tiêu tăng trưởng"

Nói về con số mục tiêu cụ thể, phía AEON Việt Nam cho biết rất khó để so sánh, AEON Việt Nam đã mất 2 năm bị trì hoãn bởi Covid-19. Do vậy, để có thể duy trì được lộ trình đã đề ra, năm 2022 tốc độ phục hồi theo tham vọng người đứng đầu phải mạnh mẽ hơn, để bù đắp giai đoạn trước cũng như làm bệ phóng cho giai đoạn tiếp theo.

Lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của AEON Việt Nam vẫn là các trung tâm mua sắm lớn, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị (General Merchandise Store, gọi tắt là GMS) của AEON. Và để giữ vững sự tăng trưởng của các GMS hiện nay, công ty chủ trương sẽ nâng cao sự trải nghiệm cũng như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng; đồng thời nâng cấp và đổi mới bố cục và cách thức trưng bày tại khu vực bán hàng để chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo, thu hút nhiều khách hàng hơn.

"Hiện AEON có 6 trung tâm mua sắm (TTMS), trong đó AEON Hải Phòng vừa khai trương từ cuối năm 2020. AEON sẽ không mở thêm TTMS lớn cho đến năm 2023. Như vậy trong 3 năm 2021-2023 nếu không tăng về quy mô/địa điểm, bài toán đặt ra cho chúng tôi là làm sao để tăng doanh số tại các địa điểm đã có. Chưa kể năm 2020 – 2021 dịch Covid khiến mức tăng trưởng bị chững lại, vì vậy năm 2022 này mấu chốt là chúng tôi phải quay trở về được thời điểm trước Covid", ông nói thêm.

Việt Nam là thị trường trọng điểm của AEON, chỉ sau Nhật Bản

Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm bên cạnh nước sở tại Nhật Bản, mục tiêu đến năm 2030 AEON dự kiến sẽ có 30 TTMS với hoạt động kinh doanh mở rộng; tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng cùng các tỉnh lân cận những thành phố này.

Trong đó, kế hoạch trung hạn cho 3 năm tiếp theo, doanh nghiệp dự kiến sẽ mở 15 TTMS lớn. Hiện, AEON Việt Nam vẫn đang lên kế hoạch để thực hiện, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình triển khai.

Năm 2022, mục tiêu lớn nhất của AEON Việt Nam là lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 3.

Hệ thống siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu đang được AEON Việt Nam đẩy mạnh phát triển tại Hà Nội

Công ty cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị với quy mô nhỏ hơn. Với hệ thống chuỗi siêu thị vừa và nhỏ MaxValu ở Hà Nội, công ty đặt mục tiêu đạt 100 siêu thị đến năm 2025. Song song đó, AEON Việt Nam cũng sẽ phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh, như cửa hàng xe đạp (AEON Bicycle) và cửa hàng chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp (Glam Beautique), cửa hàng thú cưng (AEON Petemo)… nhằm tăng độ hiện diện thương hiệu cũng như phục vụ nhu cầu của người dân tại khu vực dân cư.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, AEON Việt Nam còn phát triển những sản phẩm Việt Nam cho nhãn hàng riêng của AEON. AEON Việt Nam luôn tích cực hợp tác với các nhà sản xuất địa phương để có thể sản xuất những sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn AEON để tiêu thụ trong hệ thống AEON, cũng như có thể xuất khẩu đi nước ngoài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm