Năm nay nền kinh tế có nhiều biến động. Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm có chiều hướng tăng cùng với việc sa thải hàng loạt khiến tài chính của hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn có những người quyết định vay tiền mua nhà trả góp trong năm 2022. Liệu khi nhìn lại, họ có cảm thấy đây là quyết định đúng đắn?
Cùng gặp 2 bạn trẻ để hiểu hơn suy nghĩ của người trong cuộc trên khía cạnh này:
- Văn Hùng, 23 tuổi, mua căn hộ 2,3 tỷ đồng ở Hà Nội vào tháng 3/2022, vay ngân hàng 700 triệu đồng.
- Minh Hoa, 25 tuổi, mua căn hộ 1,4 tỷ đồng ở Hà Nội vào tháng 6/2022, vay ngân hàng 800 triệu đồng.
Cắt giảm chi tiêu để trả nợ
Văn Hùng chia sẻ rằng quyết định mua nhà trả góp đồng nghĩa với việc cậu phải có kế hoạch tài chính chi tiết hơn. Sau khi lĩnh lương, thay vì mua sắm tự thưởng, Văn Hùng chia tiền lương thành khoản phục vụ chi tiêu hàng ngày và khoản để trả nợ. Sau hơn nửa năm quyết định mua nhà trả góp, câu phải thắt chặt chi tiêu hàng tháng, song Văn Hùng chưa bao giờ cảm thấy hối hận về quyết định này.
“Gánh trên vai khoản nợ không hề nhỏ nhưng bây giờ mình đã sở hữu một căn hộ riêng, đây cũng là động lực giúp mình nỗ lực gia tăng thu nhập. Từ khi chuyển vào nhà mới, sức khỏe tinh thần cũng đã cải thiện một cách đáng kể, mình hoàn thành công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tiêu xài không được thoải mái như trước nhưng đây cũng là cơ hội tốt để mình học cách chi tiêu thông minh hơn”.
Văn Hùng
Cũng giống như Văn Hùng, Minh Hoa giảm mua sắm tiêu sản. Chẳng hạn, đối với quần áo, giày dép, cô chỉ mua vừa đủ dùng. Riêng việc ăn uống cùng các hoạt động vui chơi giải trí cho vợ chồng, con cái thì Minh Hoa quyết định không cắt giảm. “Em bé đã lớn hơn và mình chuyển con sang trường công lập thay vì tư thục, học phí cũng giảm đáng kể. Khi mua nhà, gia đình mình đã tính toán để không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hàng tháng, cho đến tận bây giờ vấn đề tài chính vẫn nằm trong tầm kiểm soát”.
Minh Hoa
Mua nhà trả góp trong “bão giá” có khó khăn hơn?
Trong năm 2022, có những thời điểm tất cả các mặt hàng bao gồm nhu cầu thiết yếu đã tăng giá chóng mặt. Có nhiều người cho rằng, ngay cả việc cân đối chi tiêu hàng ngày cũng khó khăn chưa kể đến phải tính toán trả nợ.
Tuy nhiên, Minh Hoa chia sẻ, “Đúng là mọi thứ đều tăng giá trong năm qua. Nhưng mình thấy giá nhà đang tăng lên từng ngày, mua nhà cũng là 1 cách để đầu tư. Có thể tiền lãi không nhiều, nhưng đây là tài sản tương đối ổn định và không bị mất giá theo thời gian, mình cũng yên tâm hơn”. Hiện nay, Minh Hoa đã trả được 10% số nợ.
Căn hộ của gia đình Minh Hoa
Còn đối với Văn Hùng, trước khi quyết định mua nhà, cậu đã cân nhắc khá kỹ. Mua nhà khiến Văn Hùng phải thay đổi cách chi tiêu nhưng không ảnh hưởng đến nền tảng tài chính cá nhân. Trong bối cảnh hiện tại vật giá leo thang, cậu vẫn đảm bảo được mức sống dù phải trả nợ hàng tháng.
“Cân đối thu nhập và phải đảm bảo mức sống trong vài năm tới khi trả nợ vì bão giá là điều không thể tránh khỏi. Đây là điều cần phải xem xét cẩn thận trước khi mua nhà. Nếu cân đối dòng tiền theo mức giá cả thị trường tại thời điểm hiện tại, nền tảng tài chính sẽ rất dễ lung lay khi mức sống càng ngày càng đắt đỏ trong khi nợ vẫn phải trả đều hàng tháng”.
Đến nay Văn Hùng đã trả được gần 1/10 khoản nợ. Nếu theo tiến độ này, cậu bạn sẽ trả xong nợ căn hộ trong khoảng 5 năm nữa và vẫn bám sát so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên Văn Hùng vẫn đang cố gắng để tối đa hóa thu nhập, từ đó rút ngắn thời gian trả nợ.
Bên cạnh đó, Văn Hùng cho rằng vay nợ mua nhà là một quyết định trọng đại. Vậy nên trước khi quyết định “xuống tay” ký giấy vay nợ mua nhà, mọi người cần phải cân nhắc thật kỹ về nguồn thu nhập, kế hoạch sử dụng nguồn tiền cũng như kế hoạch trả nợ. Các bạn trẻ cũng nên tham khảo thêm ý kiến của người thân và những người có kiến thức về tài chính bất động sản để bản thân đưa ra một quyết định sáng suốt nhất.
“Hãy mua nhà khi bản thân cần chứ không nên chạy theo trào lưu vay nợ mua nhà khi còn trẻ. Bởi vì, điều này có thể khiến bạn phải chịu một gánh nặng tài chính rất lớn và khá áp lực”.
Đây là căn nhà đầu tiên của Văn Hùng
Còn đối với Minh Hoa, nếu cân đối chi tiêu hợp lý, có thể trả nợ hàng tháng, chưa có kế hoạch kinh doanh hay đầu tư, và đặc biệt nếu gia đình có con nhỏ, cô vẫn khuyên mọi người nên đầu tư mua nhà trả góp. “Vì bất động sản vẫn nằm đó, không mất đi đâu, kể cả trong trường hợp không trả được nợ, bán đi, vốn ban đầu vẫn còn. Tuy nhiên, lúc mua cần tìm hiểu thông tin về ngôi nhà và chủ đầu tư thật kỹ”.