Cổ phiếu của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (Mã: TTL) diễn biến khá mờ nhạt trong phần lớn thời gian năm 2024, chủ yếu đi ngang với thanh khoản nhỏ giọt. Khối lượng giao dịch bình quân phiên từ đầu năm đến 4/12 chỉ 3.000 đơn vị.
Tuy nhiên, từ 5/12, cổ phiếu bắt đầu chuỗi tăng trần kéo dài cho đến 13/12. Sau 7 phiên kịch biên độ, thị giá tăng tổng cộng 89%, lên 14.900 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 7/2022.
Khối lượng phiên 13/12 đạt đột biến 254.200 cp (dư mua giá trần cuối phiên 6.000 đơn vị), trong khi 6 phiên trước đó chỉ khớp lệnh dưới 10.000 đơn vị. 13/12 cũng là phiên TTL có khối lượng cao nhất kể từ tháng 8/2022. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp xây dựng nâng lên thành 624 tỷ đồng.
Đà tăng của TTL đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán xuất hiện sóng tăng giá đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Phiên 13/12, thị trường ghi nhận đến 42 mã trần, tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ trên HNX và UPCoM. Tương tự, trước đó phiên 12/12 và phiên 9/12 cũng ghi nhận lần lượt 28 và 32 mã tăng kịch biên độ.
Nổi bật là VCA đã tăng trần liên tiếp 11 phiên từ 28/11 đến 12/12, trước khi quay đầu giảm vào phiên 13/12. Tại văn bản giải trình việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp, Thép VICASA - VNSTEEL (Mã: VCA) cho biết ngày 27/11, Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (Mã: TVN) (cổ đông lớn sở hữu 65% cổ phần) đã công bố Nghị quyết phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn sở hữu tại Vicasa. Sau đó, giá cổ phiếu VCA tăng trần 10 phiên liên tiếp từ 28/11 - 11/12.
Phía Vicasa khẳng định giá cổ phiếu VCA biến động hoàn toàn được quyết định bởi cung - cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định của nhà đầu tư liên quan đến cổ phiếu không nằm trong phạm vi kiểm soát của công ty.
Trường hợp TTL có nét tương tự với VCA. Tại văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần liên tiếp, Tổng Công ty Thăng Long nêu việc ngày 6/12, SCIC (cổ đông lớn nắm hơn 25% vốn) thông báo bán đấu giá cả lô cổ phần tại doanh nghiệp này. Từ 5/12 đến 11/12, TTL đã tăng trần liên tiếp 5 phiên. Tổng Công ty Thăng Long cũng cho biết diễn biến tăng giá là khách quan theo nguyên lý cung cầu của thị trường chứng khoán.
Về việc thoái vốn, SCIC sẽ tổ chức đấu giá vào 26/12. Giá khởi điểm cho cả lô cổ phần là 222.6 tỷ đồng, trung bình 21.200 đồng/cp, cao hơn so giá với trên thị trường.
Đơn vị này tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gồm nhiều xí nghiệp thành viên hạch toán tập trung với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985).
Đến 6/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển công ty mẹ - Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thành công ty cổ phần. Ngày 24/11/2014, đơn vị chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Thăng Long - CTCP.
Sau đợt tăng vốn vào năm 2015, vốn điều lệ nâng lên thành 419 tỷ đồng và duy trì đến nay.
Ngày 18/1/2018, cổ phiếu TTL chính thức được đưa vào giao dịch trên thị trường niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá tham chiếu 13.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh).
Về tình hình kinh doanh gần nhất, 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Thăng Long đạt hơn 1.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp thu hẹp cùng áp lực chi phí lãi vay, chi phí quản lý khiến lợi nhuận ròng giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận gần 4 tỷ đồng.
So với kế hoạch năm 2024, công ty đã thực hiện 84% chỉ tiêu doanh thu và vượt 7% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.