Anh H. (môi giới bất động sản Hải Dương) chia sẻ, 3 tháng gần đây, thị trường gần như sụt giảm mạnh về lượng giao dịch.
"Tôi đăng bài rao bán đất mỗi ngày nhưng không ai hỏi thăm. Hoặc người hỏi thăm thì chỉ hỏi cho vui, gần như người quan tâm để mua thực sự rất hiếm", anh H. cho biết.
Môi giới này cũng cho biết đã tham gia vào nghề môi giới và đầu tư bất động sản khoảng 3 năm trở lại đây, đúng thời điểm thị trường địa ốc Hải Dương sôi động. Trong thời điểm thị trường Hải Dương sốt, số lượng "cò" tham gia vào môi giới tăng mạnh. Giá bất động sản cũng tăng gấp 2, gấp 3. Nhất là trong các cuộc đấu giá đất, nhà đầu tư từ các tỉnh khác đổ về nườm nượp.
Trước đây, một lô đất ở thành phố Hải Dương nằm ở vị trí đẹp có giá tầm 2 -2,5 tỷ đồng "đắt hàng". Thông thường, chỉ rao trong khoảng nửa tháng đến 1 tháng là nhanh chóng có khách chốt hàng. Chỉ cần hàng đẹp, vị trí tốt, giá hợp lý là khách mua ngay. Thời sốt đất, trung bình mỗi tuần, anh H. giao dịch thành công 2-3 vụ. Thậm chí có buổi tối, khách còn yêu cầu đến tận nhà nhận cọc.
(Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, kịch bản sôi động đó đã dần trở nên trầm lắng trong thời gian gần đây. Anh T. than: "Có lô đất rao bán 3 tháng không có người mua hàng. Thậm chí, những lô đất này cắt lỗ từ 10-20%", anh T. chia sẻ.
Vị môi giới này cho biết, ví dụ, một lô đất đấu giá ở Ninh Giang trước khi thị trường hạ nhiệt có giá 1,8 tỷ đồng thì hiện tại, mức giá khách muốn thu về 1,6 tỷ đồng. Hay đơn cử một lô đất đẹp nằm ở thành phố Hải Dương, tháng 3/2022, một khách hỏi mua với giá 2,45 tỷ và xác nhận chốt luôn. Nhưng chủ đất lăn tăn chờ tăng giá. Đến bây giờ, chủ đất chấp nhận lô đất này cắt lỗ còn 2,05 tỷ mà khách cũ cũng nhất quyết không lấy.
Theo anh H., lượng khách hàng nhà anh rao bán đất rất nhiều. Tâm lý của họ là cắt lỗ để vội đẩy hàng đi, sợ thị trường còn đi xuống. Nhưng thực tế, ngay cả khách hàng khác, họ tâm lý dè dặt, xem xét thị trường. "Vay tín dụng bị siết, lại siết phân lô bán nền, nhà đầu tư ngại ngần. Thị trường đang hạ giá nhưng không có nhiều người mua", anh H. cho hay.
Anh Phú, nhà đầu tư đến từ Bắc Ninh chia sẻ, trong vòng 2 tháng vừa qua, anh vừa chốt lô đất với mức giá giảm 23% so với thời điểm trước Tết. Lô đất nằm trong dự án này đã được anh Phú tìm hiểu và có ý định xuống tiền. Tuy nhiên, giá giao dịch thời điểm trước Tết cao khiến anh Phú băn khoăn. Đến đầu tháng 6, khi đi khảo sát lại thị trường, anh mới biết lô đất cũ đang được rao bán gấp. Nhà đầu tư này liên hệ với chủ nhà và tiến hành đàm phán hạ giá.
"Tôi cũng chỉ đủ tiền mua thêm lô đất này. Dạo gần đây, môi giới gọi tôi mời chào mua đất rất nhiều. Toàn lô đất đã giảm giá khoảng 10%. Môi giới còn báo nếu thiện chí, chủ đất còn gia lộc thêm", anh Phú nói.
Diễn biến khó khăn của thị trường địa ốc thực tế đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường giảm tốc từ năm 2021. Lượng giao dịch mua bán đã trở nên sụt giảm. Tuy nhiên, diễn biến này xảy ra ngầm, do nhiều môi giới vẫn "gồng" mình quảng cáo thị trường đang tốt.
Ông Hiển thẳng thắn cho rằng, thị trường đang "đứng hình". Thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua, người bán do dự. Theo ông Hiển, thị trường đựng hình nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được.
Kịch bản trong tương lai được dự báo không quá nhiều gam màu sáng do việc Chính phủ sẽ giữ nguyên quản lý tín dụng và dòng vốn vào bất động sản. Nhà đầu cơ bất động sản sử dụng vốn vay quá mức sẽ gặp khó khăn. Tình trạng này mới bắt đầu và việc đóng băng sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng nữa.