Tài chính

Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp

Doanh nghiệp bất động sản tự giải quyết khó khăn

Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 8 vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay và nhấn mạnh, tất cả chủ thể có liên quan từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng đến khách hàng phải cùng xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, các chính sách quản lý chưa phản ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Mặt khác, thị trường còn tồn tại nhiều vướng mắc về pháp lý và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn , gồm cả tín dụng, trái phiếu, chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng. Bên cạnh đó, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các dự án còn chậm trễ. Cán bộ một số nơi, một số thời điểm còn sợ trách nhiệm, không dám làm.

Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm lệ phí (Ảnh: VGP).

Thủ tướng yêu cầu phía ngân hàng, tài chính phải có biện pháp khơi thông các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, cũng như nguồn lực từ khách hàng. Trong đó, các ngân hàng thương mại tiết giảm các chi phí, tăng cường chuyển đổi số để từ đó có biện pháp giảm lãi suất. Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm lệ phí... Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.

Dù vậy, xuyên suốt trong hội nghị, Thủ tướng nhiều lần nhắc nhở các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, tự giải quyết các khó khăn, vướng mắc do chính mình gây ra. Cụ thể, doanh nghiệp phải dự báo tốt về thị trường, từ đó cơ cấu lại các phân khúc, giá cả cho hợp lý nhằm thúc đẩy thanh khoản.

Sớm hạ lãi suất

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest - kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Hiệp đề nghị xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% (Ảnh: VGP).

Ông Hiệp cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

“Với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là “nguồn sữa” chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kính đề nghị về chính sách tín dụng cần có “dự lệnh” trước khi ra “động lệnh” để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Và về tổng thể xin kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất”, ông Hiệp nói thêm.

Chỉ xin hỗ trợ về cơ chế

Tương tự, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland - cũng kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo NHNN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. “Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua”, ông Nhơn nói.

Cụ thể, Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị như xin Chính phủ và NHNN ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.

Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ông Nhơn khẳng định, việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm (Ảnh: VGP).

Nêu cụ thể từng dự án, ông Nhơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn. Novaland mong sẽ được tháo gỡ khó khăn cho dự án này trong 1 tháng.

“Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Tập đoàn Novaland trong thời điểm hiện nay. Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...”, ông Nhơn nói.

Nhà nước cần mua lại trái phiếu doanh nghiệp

Đồng tình với việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân - cho rằng, thị trường bất động sản đóng băng không chỉ làm các doanh nghiệp bất động sản phá sản mà kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác sẽ đình trệ. Từ đó khiến hệ thống tài chính mất thanh khoản, gây mất lòng tin, thậm chí gây ra sự phẫn nộ của người dân vì nhiều người đang nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 4.

"Với một số dự án quan trọng về quy mô, tính chất lớn, nhà nước cần hành động can thiệp trực tiếp mua lại khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành", ông Cường kiến nghị (Ảnh: VGP).

Về giải pháp, ông Cường nhấn mạnh cần ưu tiên tín dụng với dự án đã đủ điều kiện để đưa sản phẩm ra thị trường. Đối với dự án đang triển khai dở dang, ông đề xuất ngân hàng nên khoanh lại các khoản nợ cũ.

Về trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh sửa Nghị định 65, ông Cường đề nghị nên cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thỏa thuận chuyển khoản nợ này thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi. Với một số dự án quan trọng về quy mô, tính chất lớn, nhà nước cần hành động can thiệp trực tiếp mua lại khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Bất động sản đang khủng hoảng thiếu

Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. Khác với Trung Quốc đang đối diện khủng hoảng thừa do nguồn cung bỏ xa nhu cầu nhà ở của người dân, tại Việt Nam nhu cầu nhà ở vẫn chưa được đáp ứng. Do đó, ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay dễ xử lý hơn giai đoạn 2012 và dễ xử lý hơn thị trường Trung Quốc.

Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 5.

Ông Nghĩa nói rằng, thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. Do đó, ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay dễ xử lý hơn giai đoạn 2012 (Ảnh: VGP).

Theo ông, những vấn đề của thị trường bất động sản đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế. “Trong thị trường tài chính, quan trọng nhất là lòng tin. Không có lòng tin thì ngân hàng không thể tài trợ thanh khoản, không thể nghe lời NHNN, càng không thể ngồi lại đàm phán với doanh nghiệp. Đây cũng mấu chốt, là “tử huyệt” với thị trường trái phiếu hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Do đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, cần nghiên cứu vấn đề bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, do ngân hàng quốc doanh hay tổ chức tín dụng uy tín đứng ra bảo lãnh, sớm có quy định rõ ràng về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm

Mở cửa với lực bán tháo mạnh, VN-Index mất mốc 1.200 điểm nhưng sau đó dần cải thiện nhờ VIC, VHM, LPB, VNM… và chốt phiên giảm hơn 19 điểm.

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Hôm nay (1/4), miền Bắc tiếp tục rét, vùng núi có rét đậm với nhiệt độ thấp nhất từ 13-16 độ, cao nhất 19-22 độ.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Miền Bắc chuyển mưa rét từ đêm nay

Từ đêm nay không khí lạnh sẽ khiến nền nhiệt giảm sâu ở miền Bắc, trời chuyển rét, đồng thời có mưa rào rải rác. Trong sáng nay, khu vực Đông Bắc Bộ cũng có mưa nhỏ, mưa phùn. Các khu vực khác trên cả nước ngày nắng, riêng Nam Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ nắng nóng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Giá vàng tăng dựng đứng

TPO - Sáng nay (15/3), giá vàng trong nước tiếp tục tăng dựng đứng. Theo đó, giá vàng nhẫn lên mốc kỷ lục mới 96,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng gần chạm mốc 96 triệu đồng/lượng.

Bamboo Airways có tổng giám đốc mới

Ông Nguyễn Minh Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air, nay chuyển sang làm Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Ngân hàng sẽ có thêm chương trình tín dụng ưu đãi cho bất động sản

NHNN đã họp với ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất có một chương trình tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) trị giá 120.000 tỷ đồng cho vay cả người xây dựng và người mua nhà đồng với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để đi tiếp.