Thời sự

MBKE dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 4%, năm 2024 phục hồi lên 6% nếu cầu thế giới cải thiện

Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối 2023, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) hạ dự báo GDP năm 2023 xuống 4% do nhu cầu toàn cầu sụt giảm và khủng hoảng tái cấp vốn cho bất động sản kéo dài trong nửa cuối năm, đè nặng lên hai động lực tăng trưởng chính. 

"Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay nhưng bị kìm hãm do tốc độ tăng trưởng GDP quý I  giảm mạnh và áp lực kinh tế gia tăng. Hai cơn gió ngược lớn - suy thoái thương mại và khủng hoảng nợ bất động sản trong nước đang ảnh hưởng đến tăng trưởng và khó có thể giảm trong những tháng tới, khiến cho khả năng tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ", báo cáo nêu.

Tăng trưởng năm 2024 được kỳ vọng sẽ phục hồi lên 6%. Sự phục hồi sẽ được dẫn dắt bởi sự phục hồi trong thương mại do điều kiện nhu cầu toàn cầu ổn định và mức so sánh thấp.

"Sự phục hồi xuất khẩu có thể được khuếch đại bởi sự gia tăng năng lực sản xuất do dòng vốn FDI mang lại. Ngành dịch vụ sẽ được hỗ trợ nhờ du lịch trong nước tiếp tục phục hồi khi du khách Trung Quốc quay trở lại. Chính sách tài khóa có thể sẽ vẫn hỗ trợ khi các cơ quan chức năng cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng 2021-2025 là 6,5% (trung bình giai đoạn 2021-2022 tăng trưởng 5,3%)", MBKE dự báo về năm 2024.

Quay trở lại năm 2023, các chuyên gia tại đây còn cho rằng sự phục hồi của lượng khách du lịch trong năm nay sẽ không đủ để hỗ trợ tiêu dùng do các hộ gia đình thắt chặt hầu bao khi thị trường lao động khó khăn hơn. 

Ngoài ra, lạm phát sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%, chỉ ở mức 3,4%, sau đó tăng lên 3,9% vào năm 2024. 

 

Khối phân tích dự báo NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong ba tháng tới và giữ nguyên cho đến cuối 2024. 

Nói thêm về lĩnh vực bất động sản - yếu tố cản trở nhu cầu trong nước trong thời gian tới, MBKE cho rằng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp giảm bớt áp lực tái cấp vốn và giảm nguy cơ hạ cánh cứng cho lĩnh vực bất động sản.

Về lâu dài, các biện pháp này giúp hạn chế đầu cơ và tăng cường giám sát theo quy định, hướng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững hơn và ít hoạt động đầu cơ hơn.

"Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ giảm bớt nhưng không có khả năng loại bỏ hoàn toàn áp lực tái cấp vốn. Chúng tôi kỳ vọng những cơn gió ngược về bất động sản sẽ kéo dài ít nhất đến nửa cuối năm 2023, do các kỳ hạn trái phiếu lớn sắp đến hạn", MBKE dự báo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm