Kinh doanh

Mất 5 tiếng di chuyển Tân Sơn Nhất - Long Thành thì không ai muốn đặt vé

Sân bay chờ đường

Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối Long Thành - TPHCM” do báo Tuổi trẻ tổ chức chiều 27/6, ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - cho biết nhiều còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để sân bay Long Thành thật sự cất cánh.

Theo ông Cường, dự án sân bay Long Thành gồm 4 dự án thành phần, trong đó hạt nhân chính là thành phần 3 (khu nhà ga và hạ tầng hàng không) do ACV làm chủ đầu tư. Hiện nay, thành phần 3 có hơn 3.000 kỹ sư, công nhân thi công suốt 24/24, cùng 3.000 thiết bị, máy móc hoạt động liên tục. ACV đặt mục tiêu đến ngày 19/12 tiến hành hiệu chỉnh nhà ga - một mốc tiến độ then chốt được cả hệ thống chính trị và Chính phủ đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh việc xây xong nhà ga thôi chưa đủ.

Mất 5 tiếng di chuyển Tân Sơn Nhất - Long Thành thì không ai muốn đặt vé ảnh 1
Ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc ACV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT.

“Nếu không có hệ thống đường bay, hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện, nhà ga xây xong cũng không phát huy giá trị. Kết nối giữa Long Thành và TPHCM chưa đồng bộ sẽ khiến việc khai thác sân bay Long Thành rất khó khăn”, ông Cường nói.

Ngoài hạ tầng cứng, ông Cường cũng chỉ ra một bài toán quan trọng khác là tổ chức khai thác bay và mạng lưới chuyến bay kết nối. Theo ông, vận hành một sân bay quốc tế không chỉ là phục vụ chuyến bay đi, đến trực tiếp mà còn phải tính đến yếu tố trung chuyển (transit).

“Ví dụ, khách bay đến Long Thành rồi cần quá cảnh tiếp chuyến tại Tân Sơn Nhất. Nếu hành khách phải mất 5 tiếng di chuyển giữa hai sân bay để kịp chuyến bay tiếp theo, sẽ không ai muốn đặt vé. Khi khách không đặt vé, hãng bay sẽ không có đủ sản lượng để khai thác đường bay đến Long Thành”, ông Cường phân tích.

Ông Cường nhấn mạnh, để sân bay Long Thành vận hành thành công, phải giải được bài toán đồng bộ kết nối với TPHCM và các đô thị lân cận, đặc biệt là tổ chức giao thông thuận tiện cho hành khách quá cảnh giữa hai sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất. Đây là yếu tố quyết định để thu hút các hãng bay mở đường bay, đảm bảo sản lượng hành khách và khai thác hiệu quả một trong những công trình hạ tầng hàng không quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.

PGS.TS Trần Quang Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM - cho biết, hiện kết nối Long Thành - TPHCM vẫn hạn chế, chủ yếu dựa vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 và quốc lộ 1. Các dự án Vành đai 2, 3, 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu đang trong quá trình đầu tư nhưng tiến độ triển khai sẽ quyết định đến thành bại của bài toán kết nối.

Chuyên gia này cảnh báo, nếu hạ tầng chậm trễ, manh mún, Cảng HKQT Long Thành sẽ khó trở thành động lực phát triển vùng mà chỉ dừng lại ở vai trò một sân bay vận chuyển đơn thuần.

PGS.TS Trần Quang Phú dẫn chứng từ kinh nghiệm quốc tế: Sân bay Incheon - Seoul (Hàn Quốc) có đường cao tốc riêng dài 36 km, tuyến metro Seoul, tàu cao tốc Airport Express (AREX), xe buýt tốc hành BRT chia tuyến màu, điều phối bằng hệ thống ITS và thanh toán qua thẻ T-money tích hợp. Nhờ đó, hành khách di chuyển thuận tiện, kết nối vùng được tối ưu, biến sân bay thành động lực phát triển kinh tế đô thị.

Mất 5 tiếng di chuyển Tân Sơn Nhất - Long Thành thì không ai muốn đặt vé ảnh 2

PGS.TS Trần Quang Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT.

Tại Hà Lan, sân bay Schiphol không chỉ là cửa ngõ hàng không mà còn là trung tâm giao thông, logistics, thương mại quốc tế. Schiphol có ga đường sắt quốc tế kết nối Brussels, Paris trong 2 - 4 giờ, mạng lưới metro, tramway dày đặc, xe đạp công cộng OV-fiets.

Do đó, theo ông Phú, nếu muốn cạnh tranh với Changi (Singapore) hay Suvarnabhumi (Bangkok), sân bay Long Thành phải phát triển hạ tầng đồng bộ đường cao tốc, vành đai, metro, đường sắt kết nối TPHCM, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, phát triển các đô thị vệ tinh hiện đại, giảm áp lực dân số cho TPHCM, thúc đẩy logistics, công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Phát triển thành phố sân bay

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai -nhìn nhận: Đồng Nai đang tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành và các tuyến Vành đai 3, 4 - TPHCM. Đây là các trục động lực quan trọng để kết nối Long Thành trực tiếp với TPHCM, tạo tiền đề phát triển bền vững cho cả vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, tỉnh đang định hướng phát triển thành phố sân bay Long Thành thành cực tăng trưởng mới với vùng lõi là khu đô thị thương mại tự do hơn 8.000 ha.

“Chúng tôi không chỉ muốn Long Thành là một sân bay hiện đại mà là một đô thị sân bay thế hệ mới sinh thái, thông minh, toàn cầu hình thành cặp đô thị song sinh Long Thành - TPHCM, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau, tối ưu hóa lợi thế của cả hai, tạo sức bật phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Lộc nói.

Mất 5 tiếng di chuyển Tân Sơn Nhất - Long Thành thì không ai muốn đặt vé ảnh 3

Để sân bay Long Thành vận hành thành công, theo các chuyên gia, phải giải được bài toán đồng bộ kết nối với TPHCM và các đô thị lân cận.

Ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM - cho rằng, lâu nay vấn đề kết nối, liên kết vùng được bàn luận rất nhiều. Sau ngày 1/7, liên kết vùng Đông Nam bộ cơ bản là 3 tỉnh thành, gồm TPHCM, Đồng Nai và Tây Ninh. Trong vùng đang hình thành hệ thống đường vành đai định hình không gian phát triển mới.

Các tin khác

Giá vàng bất ngờ giảm mạnh

Sáng nay (28/6), giá vàng trong nước quay đầu giảm mạnh. Giá vàng miếng SJC mất mốc 120 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn thế giới hơn 12 triệu đồng/lượng.

Luật sư nói về vụ đốt tài liệu cạnh trụ sở UBND phường ở Hà Nội

Dù cơ quan chức năng đã thông tin về một số giấy tờ bị đốt không thuộc bí mật nhà nước nhưng mới chỉ là những tài liệu "còn dấu vết" từ đám cháy. Với những giấy tờ đã bị đốt hết thì cơ quan chức năng chưa xác định được đó là tài liệu gì, mức độ quan trọng như thế nào?

Viettel dẫn đầu tại giải thưởng công nghệ uy tín thế giới

Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 19 giải thưởng tại Globee Awards for Technology 2025, một trong những giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo. Tổng số giải thưởng của Viettel vượt qua các tập đoàn công nghệ thế giới như Amazon, IBM, Meta, Broadcom, Ivanti, Cisco, v.v...

PV GAS: Hướng tới trở thành đơn vị cung cấp năng lượng xanh hàng đầu Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đặt mục tiêu cao trong lộ trình giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Hưởng ứng định hướng quốc gia, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch, với mục tiêu trở thành đơn vị cung cấp năng lượng xanh hàng đầu Việt Nam.