Doanh thu từ hoạt động lừa đảo tiền điện tử được ước tính đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, trong bối cảnh các vụ lừa đảo tình cảm (romance scam) ngày càng gia tăng khi tội phạm mạng tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hoạt động có tổ chức hơn, theo cảnh báo từ công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis.
Trong một báo cáo được công bố hồi trung tuần tháng 2, Chainalysis cho biết các ví tiền điện tử liên quan đến các vụ lừa đảo đã nhận được 9,9 tỷ USD giá trị tiền mã hóa trong năm 2024, theo ước tính ban đầu. Chainalysis dự báo con số có thể sẽ tăng lên mức kỷ lục 12,4 tỷ USD khi xác định thêm nhiều ví lừa đảo khác.
Chainalysis cũng cho biết, kể từ năm 2020, ước tính hằng năm về hoạt động lừa đảo của họ đã tăng trung bình 24% giữa các giai đoạn báo cáo thường niên.

Lừa đảo tiền điện tử nói riêng và các hình thức qua internet nói chung ngày càng khó bị phát hiện hơn. (Ảnh: Fortune).
Theo báo cáo năm 2024, lý do hàng đầu dẫn đến giá trị các vụ lừa đảo tiền điện tử tăng mạnh là do ngày càng có các vụ lừa đảo liên quan đến tình cảm, còn được biết đến với thuật ngữ “thịt heo” (“pig butchering”).
Lừa đảo “thịt heo” là một hình thức lừa đảo đầu tư hoặc lừa đảo tình cảm, trong đó kẻ gian kết nối và xây dựng mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng hẹn hò nhằm lừa họ đầu tư vào các cơ hội không có thật để chiếm đoạt tài sản.
Thuật ngữ “thịt heo” (“pig butchering”) xuất phát từ ý tưởng kẻ lừa đảo trước tiên “vỗ béo” các nạn nhân bằng những lời khen ngợi hoặc sự gắn kết giả tạo trước khi “thịt heo”, tức chiếm đoạt tài sản.
Ngày càng có thêm nhiều nạn nhân
Theo Chainalysis, trong năm 2024, doanh thu từ các vụ lừa đảo "thịt heo" đã tăng gần 40% so với năm trước, trong khi giá trị khoản tiền gửi vào các vụ lừa đảo này tăng gần 210% trong cùng kỳ.
Công ty cho biết sự chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng nói trên cho thấy phạm vi nạn nhân đang mở rộng do kẻ lừa đảo nhắm đến nhiều nạn nhân hơn nhưng mỗi lần lừa đảo với số tiền nhỏ hơn.
Báo cáo cũng cho biết, mặc dù các vụ lừa đảo "thịt heo" chủ yếu xuất phát từ các “trung tâm lừa đảo” lớn ở Đông Nam Á, đã có dấu hiệu cho thấy các “trung tâm lừa đảo” này dần phân tán ra nhiều khu vực địa lý hơn.
Tháng 12 năm ngoái, cơ quan chống tham nhũng của Nigeria thông báo bắt giữ 792 người trong cuộc đột kích vào một tòa nhà nơi các nghi phạm bị cho là đang thực hiện các vụ lừa đảo tình cảm nhắm vào nạn nhân chủ yếu từ châu Âu và châu Mỹ, theo Reuters.
Dần lời ông Eric Heintz, một nhà phân tích toàn cầu của Tổ chức Công lý Quốc tế, trong báo cáo của Chainalysis, mặc dù các “trung tâm lừa đảo” thường được biết đến với phong cách lừa đảo kiểu “thịt heo”, chúng cũng đồng thời là nơi hoạt động của nhiều hình thức lừa đảo khác được thực hiện thông qua internet.
"Việc có nhiều nhóm tội phạm cùng hoạt động trong một trung tâm lừa đảo, mỗi nhóm tập trung vào một hình thức lừa đảo khác nhau, không phải là điều hiếm gặp," vị chuyên gia này nói thêm.
Hệ sinh thái lừa đảo ngày càng “chuyên nghiệp hoá”
Chainalysis nhận định việc ngày càng có nhiều các nhóm lừa đảo khác nhau hoạt động trong cùng một “trung tâm lừa đảo” được thúc đẩy thông qua sự xuất hiện của nhiều sàn giao dịch và mạng lưới tiền điện tử bất hợp pháp.
Xu hướng này phần lớn được thúc đẩy bởi Huione Guarantee, một diễn đàn trực tuyến và sàn giao dịch ngang hàng (peer-to-peer marketplace) mà Chainalysis mô tả là “nền tảng tất cả trong một” dành cho các đối tượng tội phạm muốn mua bán công nghệ lừa đảo, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực hỗ trợ gian lận.
Nền tảng tiếng Trung nêu trên có liên kết với Huione Group, một tập đoàn có trụ sở tại Campuchia, cung cấp các dịch vụ hợp pháp như chuyển tiền quốc tế, bảo hiểm và trước đây từng hoạt động trong lĩnh vực du lịch cao cấp.
Theo Chainalysis, hoạt động của Huione Guarantee trên các mạng blockchain cho thấy nền tảng này được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ hoạt động lừa đảo kiểu "thịt heo" và giao dịch bất hợp pháp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lừa đảo dựa trên tiền điện tử.
Một trong những dịch vụ chính trên nền tảng này là rửa tiền, giúp những kẻ lừa đảo che giấu các hoạt động phi pháp, theo dữ liệu từ Chainalysis.
Ngoài ra, một số sản phẩm bất hợp pháp được tìm thấy trên trang web này còn bao gồm danh sách dữ liệu mục tiêu, dịch vụ hosting web, dữ liệu tài khoản mạng xã hội và phần mềm AI. Trong năm 2024, các nhà cung cấp công nghệ lừa đảo trên Huione đã nhận ít nhất 375,9 triệu USD bằng tiền điện tử.
Kể từ năm 2021, Huione Guarantee và các nhà cung cấp quảng cáo trên nền tảng này đã xử lý tổng cộng 70 tỷ USD giao dịch tiền điện tử.
"Tóm lại, Huione Guarantee đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho một hệ sinh thái lừa đảo quy mô lớn, phát triển mạnh mẽ và có tính liên kết chặt chẽ," Chainalysis nhận định trong báo cáo.
Về phần mình, Huione Guarantee không phản hồi yêu cầu bình luận từ CNBC.
Trên website của mình, nền tảng này nói rằng nó không tham gia hoặc không có hiểu biết về các lĩnh vực kinh doanh đặc thù của khách hàng của nó và chỉ chịu trách nhiệm bảo lãnh cho các khoản thanh toán giữa người mua và người bán, theo một bản dịch nội dung tiếng Trung của CNBC.
AI “thêm dầu vào lửa” hoạt động lừa đảo
Trong năm 2024, một trong những nhóm nhà cung cấp thành công nhất trên nền tảng Huione là các nhà cung cấp dịch vụ AI, với doanh thu tăng 1.900% so với năm trước, theo dữ liệu từ Chainalysis.
Con số này cho thấy sự bùng nổ trong việc sử dụng công nghệ AI tạo sinh (generative AI) để hỗ trợ các vụ lừa đảo tiền điện tử. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng công nghệ này để giả mạo danh tính hoặc tạo ra nội dung chân thực, khiến nạn nhân tin tưởng và đầu tư vào các dự án giả mạo.
Báo cáo của Chainalysis cho biết có hàng chục nhà cung cấp phần mềm trên Huione Guarantee bán các công cụ AI chuyên dùng cho lừa đảo.
Theo Elad Fouks, Giám đốc sản phẩm chống gian lận tại Chainalysis và đồng sáng lập ứng dụng phát hiện gian lận Alterya, công nghệ AI tạo sinh có thể hỗ trợ mở rộng quy mô các hoạt động lừa đảo tiền điện tử.
"AI tạo sinh giúp tạo ra nội dung giả mạo chân thực phục vụ cho các vụ lừa đảo đầu tư, lừa đảo mua sắm và nhiều hình thức khác, khiến các cuộc tấn công này trở nên thuyết phục hơn và khó phát hiện hơn”, ông Fouks cho biết.
Một số nhà cung cấp trên Huione thậm chí còn quảng cáo dịch vụ “thay đổi khuôn mặt” với giá 200 USD giá trị tiền điện tử.
Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022 và công nghệ này trở nên phổ biến, ngày càng có nhiều vụ lừa đảo deepfake khiến các công ty lớn mất hàng triệu USD. Những vụ lừa đảo này sử dụng AI tạo sinh để tạo ra danh tính và giọng nói giả mạo, giúp kẻ gian đóng giả người thật và vượt qua các biện pháp kiểm soát xác minh danh tính.
Chainalysis nhận định rằng tiềm năng của công nghệ AI trong việc mở rộng quy mô các vụ lừa đảo tiền điện tử càng làm gia tăng thách thức trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm này.