Doanh nghiệp

Lợi nhuận SAGS giảm 10%, do mất khách "sộp" Vietjet và lỗ tại Long Thành

Báo cáo tài chính quý II/2025 hợp nhất của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - Mã: SGN) cho thấy doanh thu thuần giảm 6% về 356 tỷ đồng. SAGS giải trình nguyên nhân là từ ngày 20/4, công ty không còn cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất trọn gói cho Vietjet tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khiến doanh thu đi xuống, bất chấp sản lượng phục vụ các hãng bay quốc tế tăng trưởng tốt.

Dù vậy, mức giảm này nhẹ nhàng hơn so với dự báo ban đầu, bởi Vietjet từng đóng góp tới 39% doanh thu cho SAGS trong quý đầu năm.

Lợi nhuận gộp của công ty giảm 10%, đưa biên lãi gộp thu hẹp từ 32,9% cùng kỳ về 31,7%.

Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính cải thiện 67% lên 20 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiển gửi và lãi chênh lệch tỷ giá.

Trừ các chi phí, SAGS lãi sau thuế 63 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo SAGS cho biết, ngoài tác động từ vụ Vietjet, công ty ghi nhận lợi nhuận đi xuống còn đến từ khoản lỗ 6,9 tỷ đồng của công ty mới thành lập là Công ty TNHH Phục vụ mặt đất Sài Gòn - Long Thành với tỷ lệ sở hữu 75% để phục vụ Sân bay Long Thành. Nếu không tính khoản lỗ này, lợi nhuận sau thuế của SAGS gần như đi ngang so với cùng kỳ.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SAGS ghi nhận doanh thu thuần 774 tỷ đồng và lãi sau thuế 142 tỷ đồng, tăng tương ứng 3% và 4% so với cùng kỳ năm trước. 

Với việc mất đi khách hàng trọng yếu, SAGS dự kiến doanh thu năm 2025 sẽ giảm còn 1.392 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế khoảng 159 tỷ đồng, tương đương mức giảm 41% so với năm 2024. Như vậy công ty đã thực hiện được 55% mục tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Nguồn: BCTC quý II/2025.

Tại thời điểm cuối quý II/2025, tổng tài sản của SAGS đạt 1.730 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, tăng chủ yếu ở khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi. Cuối kỳ, số dư khoản muc này hơn 1.280 tỷ đồng, chiếm gần 3/4 tổng tài sản.

Các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn giảm nhẹ 27 tỷ về 227 tỷ đồng, trong đó phải thu từ Bamboo Airways nhiều nhất với 65 tỷ đồng, còn Vietjet là 39 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SAGS còn phải trích lập hơn 100 tỷ đồng phải thu khó đòi.

SAGS sở hữu bức tranh tài chính lành mạnh khi không sử dụng đòn bẩy tài chính, hệ số D/E là 0,37 lần. Phần lớn nợ phải trả của công ty là khoản phải trả người lao động và các khoản phải trả, phải nộp khác.

Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu đạt 1.282 tỷ đồng, trong đó quỹ đầu tư phát triển 493 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 242 tỷ.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm

Sáng nay (27/7), giá vàng SJC “neo” ở mốc 121,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay.

Báo Người Lao Động kỷ niệm 50 năm thành lập

Từ một tờ báo địa phương, sau 50 năm, Báo Người Lao Động trở thành cơ quan báo chí quan trọng của TP.HCM và tự tin vươn tầm quốc gia, theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt.