Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu hợp nhất 28.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và giảm 16% so với kết quả kiểm toán năm ngoái.
So với kế hoạch mới điều chỉnh, tập đoàn đã lần lượt vượt 1% chỉ tiêu doanh thu và vượt 6% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Riêng công ty mẹ, doanh thu đạt 3.629 tỷ đồng (vượt 1,4% kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng (đạt 124% mục tiêu năm). Công ty mẹ nộp ngân sách nhà nước (chưa bao gồm cổ tức chi trả cho cổ đông nhà nước) khoảng 1.610 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm và vượt thực hiện năm 2021.
Ước tính quý IV/2022, doanh thu hợp nhất của GVR khoảng 12.298 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 1.122 tỷ, giảm 47%.
Trước một ngày công bố ước tính kết quả kinh doanh, Hội đồng quản trị GVR đã thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất giảm 5% so với kế hoạch cũ, từ 29.707 tỷ đồng xuống 28.280 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 4.900 tỷ đồng, giảm 24% so với kế hoạch ban đầu.
Việc thay đổi kế hoạch ngay trước thời điểm chốt sổ của GVR cũng đã từng diễn ra vào năm 2021. Lúc đó, tập đoàn đã điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu công ty mẹ hơn 11%, giảm lợi nhuận trước thuế 36%. Nhờ đó công ty đã hoàn thành mục tiêu năm đề ra.
Theo GVR, nguyên nhân khiến tập đoàn điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2022 do xung đột của một số nước trên thế giới làm ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao, các đơn vị thành viên GVR chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền cùng với việc lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào vì sự suy giảm giá trị của đồng Kip Lào trong kỳ lập báo cáo.
Cùng với đó, kế hoạch phân phối lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức năm 2022 của tập đoàn sẽ được xem xét, quyết định tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, đồng USD tăng giá mạnh, giá cao su liên tục giảm.
Trong khi đó, sự cạnh tranh về giá giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng lên. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.