Tại sự kiện WWDC 2024 rạng sáng 11/6 ở Mỹ, Apple lần đầu đưa ra khái niệm Apple Intelligence - hệ thống trí tuệ cá nhân dành cho iPhone, iPad và máy Mac. Với loạt tính năng mới, CEO Tim Cook gọi đây là "chương mới của Apple", hứa hẹn thay đổi hoàn toàn cách người dùng sử dụng sản phẩm.
Sự khác biệt từ tên gọi
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, ngay từ tên gọi, Apple cho thấy họ muốn tách biệt với phần còn lại của làn sóng AI tạo sinh đang diễn ra trên toàn cầu. "Apple Intelligence là phiên bản trí tuệ nhân tạo theo cách Apple. Đây là lối chơi chữ khi diễn giải AI là 'Apple Intelligence' thay vì 'Artificial Intelligence' thông thường", ông Phước nói.
Trong khi đó, chuyên gia AI và bảo mật Nguyễn Hồng Phúc nhận định: "Apple Intelligence tập trung vào ứng dụng AI, không phải công nghệ AI. Do đó, công ty tìm cách định nghĩa cách thức sử dụng AI một cách bình thường, hàng ngày, dễ dàng và quen thuộc như cách mọi người đang dùng smartphone".
Theo ông, Apple đang đặt ra tiêu chuẩn của việc ứng dụng AI vào các thiết bị công nghệ mà người dùng sử dụng hàng ngày và đây là cách làm khác biệt so với Samsung, Huawei. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng Apple đã chậm chân trong cuộc cách mạng AI và những gì họ công bố rạng sáng 11/6 cho thấy sự hụt hơi và chưa thực sự ấn tượng.
Trang công nghệ CNet ghi nhận Apple chỉ nhắc đến từ AI ba lần tại sự kiện, còn Google đề cập tới 120 lần tại sự kiện I/O 2024 diễn ra giữa tháng 5. Hãng sở hữu iPhone được cho là sử dụng câu chữ linh hoạt để tạo sự khác biệt, tránh cảm giác "ngợp, gây khó hiểu" với người dùng phổ thông.
Đồng quan điểm, TechCrunch cho rằng, dù đều là sự kiện giới thiệu tính năng trí tuệ nhân tạo, Google khiến người xem "bội thực khi giới thiệu mớ hỗn độn" với loạt mô hình gồm Gem, Gemma, Gemini, Veo, Astra, Learn LM... Còn Apple khéo léo hướng khán giả vào thuật ngữ Apple Intelligence.
Thiếu sự đột phá
Dù tạo ấn tượng ban đầu về tên gọi, Apple Intelligence không được đánh giá cao về tính năng. Theo ông Phước, Apple Intelligence đơn giản là "lớp phủ" AI trên đỉnh toàn bộ nền tảng của Apple. Nếu muốn những đột phá, "iFan" có thể phải kiên nhẫn chờ đợi thêm.
Một trong những điểm nhấn của Apple Intelligence là khả năng chạy cục bộ trên thiết bị với độ bảo mật cao. "Phương pháp của chúng tôi là kết hợp AI tạo sinh với ngữ cảnh cá nhân của người dùng để mang đến trí thông minh thực sự hữu ích. Công cụ cũng truy cập thông tin theo cách hoàn toàn riêng tư và bảo mật, để người dùng thực hiện những việc quan trọng nhất đối với họ", Tim Cook nói tại sự kiện.
Theo TechRadar, đây là cách tiếp cận "rất Apple", nghĩa là quyền riêng tư được đặt lên hàng đầu và hầu hết tính năng đều hoạt động trên thiết bị của người dùng thay vì đòi hỏi chia sẻ lên đám mây. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tiềm năng xâm lấn của công nghệ khi dựa vào chính các hoạt động kỹ thuật số diễn ra trên thiết bị của người dùng để cung cấp thông tin cho AI.
Reviewer Nguyễn Ngọc Duy Luân, có mặt tại WWDC 2024 và trải nghiệm AI mới, cho biết Apple Intelligence dùng model AI riêng của Apple khi chạy cục bộ, được thiết kế đặc biệt cho tác vụ như tóm tắt, sửa lỗi chính tả, tổng hợp thông tin... mà iOS 18 cần. Tuy nhiên, nó không thể tận dụng sức mạnh của các model sẵn có trên thị trường, trong khi khả năng hỗ trợ đa ngôn ngữ hạn chế (Google Gemini ngày đầu ra mắt đã hỗ trợ tiếng Việt). Vì cơ chế ưu tiên chạy trên thiết bị (on-device), nhiều iPhone với cấu hình cũ cũng không thể dùng được.
Đối với yêu cầu phức tạp, đòi hỏi sức mạnh xử lý và tiêu tốn năng lượng, Apple cung cấp Private Cloud Compute - hệ thống tương tác với dịch vụ đám mây, không lưu dữ liệu người dùng và bảo vệ dữ liệu thông qua mật mã. Gizmodo cho rằng đây là chức năng "ấn tượng" nhưng cần được đánh giá kỹ hơn khi được triển khai thực tế cho người dùng.
Tuy vậy, việc Apple không tự tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà sử dụng giải pháp của OpenAI gây lo ngại. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Phúc, những tính năng sử dụng LLM cần tính toán "nặng", không thể thực hiện trực tiếp trên thiết bị mà phải trên máy chủ của OpenAI, hiện do Microsoft Azure cung cấp.
Tỷ phú Elon Musk cũng phản ứng gay gắt khi Apple sử dụng LLM của OpenAI. "Thật vô lý khi Apple không đủ thông minh để tạo AI của riêng họ, nhưng bằng cách nào đó lại có khả năng để đảm bảo OpenAI sẽ bảo vệ tính bảo mật và quyền riêng tư của mọi người", Musk mỉa mai trên tài khoản X sau sự kiện.
Theo ông, Apple sẽ "không thể biết chuyện gì thực sự xảy ra khi giao dữ liệu cho OpenAI" và đây là sự vi phạm an ninh không thể chấp nhận được. Ông tuyên bố sẽ cấm nhân viên dùng thiết bị Apple nếu công ty tích hợp AI của OpenAI ở cấp độ hệ điều hành, dù ông cũng đang sử dụng iPhone.
Việc Apple Intelligence chỉ hoạt động trên iPhone 15 Pro và 15 Pro Max trở đi cũng gây tranh cãi. Theo Wired, nếu chỉ là phần mềm, việc giới hạn thiết bị là động thái "kỳ lạ". Trang này dẫn ví dụ Samsung đã đem các tính năng AI cục bộ trên Galaxy S24 xuống các thế hệ cũ hơn mà không gặp vấn đề về hoạt động.
"Khả năng cao nhất khi giới hạn Apple Intelligence có thể liên quan đến vấn đề bán hàng. Doanh số thiết bị của công ty đã giảm thời gian qua và người dùng sẽ nâng cấp iPhone nếu muốn trải nghiệm tính năng AI mới", Wired bình luận. "Tất nhiên, không loại trừ khả năng sức mạnh phần cứng hạn chế khiến Apple không dám mạo hiểm đưa Apple Intelligence xuống thiết bị cũ hơn".
Cơ hội thành công
Theo các chuyên gia, dù chưa như kỳ vọng, Apple Intelligence vẫn tạo hiệu ứng lớn, như cách họ đã thực hiện với Dynamic Island trên iPhone.
"Apple coi AI là giao diện sử dụng các thiết bị công nghệ (UI/UX) mới. Họ đang tiến tới việc cập nhật toàn bộ hệ sinh thái, dùng AI làm cách thức giao tiếp chính. Điều này chắc chắn là một yếu tố mạnh mẽ trong việc lôi kéo người dùng từ nền tảng khác", ông Phúc nhận định.
Trong khi đó, trang CNet đánh giá: "Với thuật ngữ mới, Apple không muốn mọi người liên tưởng đến làn sóng AI tạo sinh đang diễn ra, mà tập trung vào những tính năng do hãng cung cấp, dù đa phần không mới mẻ. Nhưng đó chính là cách tạo nên chiến thắng của Apple".