Doanh nghiệp

Lời cảnh tỉnh của chuyên gia dành cho Starbucks: Gọi món cồng kềnh, thực đơn thiếu mới mẻ, đặc biệt phải dè chừng với ‘ngôi sao đang lên’ Luckin

Luckin Coffee một thương hiệu cà phê giá rẻ hàng đầu Trung Quốc đã có cuộc chiến mạnh mẽ với Starbucks ở Châu Á và đang hướng đến Hoa Kỳ. Nổi tiếng với mức giá gây bất ngờ, thương hiệu cà phê Trung Quốc này đã công bố một báo cáo doanh số nổi bật trong quý 3 vừa qua.

Luckin - một thế lực đáng gờm trong địa hạt cà phê

Luckin Coffee đang có cuộc chiến mạnh mẽ với Starbucks ở Châu Á và Hoa Kỳ là thị trường tiếp theo mà hãng cà phê này đang nhắm tới. Theo các báo cáo được công bố, Starbucks đang cố gắng thoát khỏi tình trạng trì trệ. Trong báo cáo quý 3 vào ngày 29/9, doanh số bán hàng trên toàn thế giới của giảm tới 7%. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng của công ty đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 783,7 triệu đô la.

Lời cảnh tỉnh của chuyên gia dành cho Starbucks: Gọi món cồng kềnh, thực đơn thiếu mới mẻ, đặc biệt phải dè chừng với ‘ngôi sao đang lên’ Luckin- Ảnh 1.

Luckin Coffee là thương hiệu cà phê giá rẻ hàng đầu Trung Quốc

Vào tháng 8 vừa qua, Starbuck đã bổ nhiệm Brian Niccol làm CEO mới. Với cam kết cải thiện tình hình, Niccol cho biết ông sẽ cải tiến tốc độ phục vụ, thêm yếu tố con người vào quy trình đặt hàng và định vị các cửa hàng của thương hiệu là "không gian thứ ba".

Trong khi đó, Luckin lại có một quý 3 thành công với những con số rực rỡ. Doanh số bán hàng của Luckin tăng 41,4% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu quý của công ty là 1,452 tỷ USD. Chuỗi cửa hàng này nổi tiếng với các giao dịch tích cực, hương vị độc đáo như cà phê Big Cheese và dịch vụ đặt hàng qua thiết bị di động.

Tại Singapore, cả hai thương hiệu này đều đang có chỗ đứng vững chắc với nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại sầm uất nhất. Một ngày gần đây, Aditi Bharade phóng viên của Business Insider (BI) tại Singapore đã ghé qua cả Luckin và Starbucks để khảo sát giá cả,  thực đơn và không khí tại những cửa hàng này.

Cuộc chiến của Starbucks và Luckin trong các chuỗi cửa hàng

Khi bước vào Luckin Coffee, Aditi Bharade cho biết: "Tôi thấy mọi người đang đợi quanh quầy thu tiền để lấy đồ uống. Những người khác đang ngồi quanh bàn uống cà phê. Nhưng hầu hết khách hàng có vẻ vội vã, sẵn sàng lấy đồ uống và rời đi".

Lời cảnh tỉnh của chuyên gia dành cho Starbucks: Gọi món cồng kềnh, thực đơn thiếu mới mẻ, đặc biệt phải dè chừng với ‘ngôi sao đang lên’ Luckin- Ảnh 2.

Tác giả đã thử những loại đồ uống đắt nhất từ Luckin Coffee và Starbucks tại Khu thương mại Singapore

Để gọi bất kỳ món nào trong thực đơn tại Luckin, khách hàng phải tải xuống ứng dụng của thương hiệu và đặt hàng qua nền tảng số. Nhân viên tại quầy không nhận đơn hàng trực tiếp. Ứng dụng này khá dễ sử dụng và hiển thị rất nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn. "Vì tôi là khách hàng mới nên mọi đồ uống trong thực đơn đều được giảm một nửa so với giá niêm yết", theo Aditi Bharade.

Thuật lại hành trình của mình, Aditi Bharade chia sẻ: "Đồ uống đắt nhất trong thực đơn là Iced Oat Shakerato có giá 8 đô la Singapore, tức là 6 USD (khoảng 152.290VNĐ). Với mức giảm giá, tôi chỉ phải trả 4 đô la Singapore (khoảng 76.556VNĐ). Tôi phải chờ ít nhất 5 đơn hàng trước đó. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 phút sau, đồ uống của tôi đã sẵn sàng và tôi có thể quét mã QR trên ứng dụng để hoàn tất mà không phải nói chuyện với bất kỳ ai trong suốt quá trình".

"Sau đó, tôi đi bộ khoảng vài trăm mét để đến quán Starbucks gần nhất, nơi có khu vực chỗ ngồi rộng rãi. Một nhóm nhân viên công sở đang ăn trưa tại đây, trong khi những người khác thì ngồi làm việc trên máy tính xách tay. Khi tôi hỏi về đồ uống đắt nhất trong thực đơn, nhân viên bán hàng đã tỏ ra khá thân thiện. Hóa ra đó là một trong những đồ uống theo mùa. Tôi đã chọn Salted Pretzel Cocoa Oatmilk Latte, có giá là 10,20 đô la Singapore (tương đương 195.217VNĐ)".

"Không giống như Luckin, ở đây tôi không phải xếp hàng sau ai cả. Tôi đã được phục vụ trong vòng chưa đầy 3 phút, nhanh hơn một chút so với Luckin. Nhìn chung, thức uống đắt nhất của Starbucks đắt hơn Luckin. Luckin có nhiều khách hàng hơn, vì vậy thời gian chờ đợi lâu hơn một chút so với Starbucks", Aditi Bharade cho hay.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Luckin Coffee được thành lập tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2017. Năm 2021, công ty này nộp đơn xin phá sản tại Hoa Kỳ sau hậu quả của vụ bê bối gian lận kế toán. Theo thông tin từ báo giới, Luckin đã làm giả gần một nửa doanh số bán hàng khoảng 732 triệu USD (tương đương 18.577.574.400.000VNĐ) của mình từ năm 2019.

Lời cảnh tỉnh của chuyên gia dành cho Starbucks: Gọi món cồng kềnh, thực đơn thiếu mới mẻ, đặc biệt phải dè chừng với ‘ngôi sao đang lên’ Luckin- Ảnh 3.

Starbuck đang có một cuộc chiến khó khăn với các thương hiệu cafe mới nổi khác

Hiện nay, Luckin có 21.343 cửa hàng trên toàn cầu. Thương hiệu này đã khai trương các cửa hàng quốc tế đầu tiên tại Singapore vào tháng 3 năm 2023 và hiện tại đã mở rộng lên 40 cửa hàng. Hiện nay, Luckin đang tìm kiếm cơ hội mở rộng tại thị trường Hoa Kỳ.

Starbucks có 40.199 cửa hàng trên toàn cầu — gần gấp đôi so với Luckin. Trong số đó, ở Trung Quốc là 7.596 cửa hàng, tăng so với con số 6.806 của một năm trước. Giám đốc tài chính của Starbucks, Rachel Ruggeri, cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc "bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt và môi trường vĩ mô yếu kém khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu".

Bên cạnh Luckin, Starbucks cũng phải tranh giành thị phần tại Hoa Kỳ với nhiều đối thủ khác như Dutch Bros. và 7 Brew.

Đánh giá về Starbucks, giám đốc nghiên cứu phân tích tại Placer.ai, ông R.J. Hottovy cho biết: "Có những lo ngại về tốc độ phục vụ và quy hoạt động cồng kềnh, thực đơn thì vẫn chẳng có gì mới mẻ". "Trong khi lượng khách của Starbucks đang tụt giảm thì các chuỗi cà phê và đồ uống khác lại tăng trưởng theo từng năm, điều đó củng cố thêm rằng những cải tiến sản phẩm mới của thương hiệu này không kết nối được với người tiêu dùng", ông nói thêm.

Các nhà phân tích đồng loạt cảnh tỉnh: Starbucks nên lo lắng về Luckin Coffee

Các nhà phân tích tiêu dùng cho biết giá cả và sự tập trung vào công nghệ của Luckin giúp công ty này có lợi thế hơn so với Starbucks. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Business Insider David Yu, một giáo sư tài chính đến từ NYU, đã cho rằng thế mạnh của Luckin chính là ứng dụng công nghệ giúp các quy trình đặt hàng diễn ra nhanh chóng hơn, trong khi đó, việc đặt hàng trên ứng dụng của Starbucks lại khá cồng khềnh và yếu kém.

Yaling Jiang, một chuyên gia nghiên cứu người tiêu dùng của bản tin "Following the Yuan" - Trung Quốc, đã cho rằng giá sản phẩm của Starbucks đang là quá cao so với mức chi tiêu hiện nay của người dân nước này.

Lời cảnh tỉnh của chuyên gia dành cho Starbucks: Gọi món cồng kềnh, thực đơn thiếu mới mẻ, đặc biệt phải dè chừng với ‘ngôi sao đang lên’ Luckin- Ảnh 4.

Cuộc chiến giành thị phần đang ngày càng căng thẳng

Nirgunan Tiruchelvam, một nhà phân tích về người tiêu dùng và vốn chủ sở hữu tại Aletheia Capital - Singapore, cho rằng ông nghĩ Luckin "có lợi thế hơn Starbucks vào thời điểm hiện tại" vì tính mới lạ của nó. Tuy nhiên, Luckin vẫn có thể đang trong cuộc chiến khó khăn ở Hoa Kỳ. "Các kế hoạch của Luckin Coffee tại Hoa Kỳ có thể không diễn ra suôn sẻ như mong đợi vì Hoa Kỳ là một thị trường rất phức tạp, nơi Starbucks đã có thâm niên hoạt động lâu hơn nhiều so với ở Châu Á", Tiruchelvam cho biết.

Việc mở các cửa hàng ở thị trường Châu Á cũng rẻ hơn so với ở Hoa Kỳ. "Xét về chi phí mở một cửa hàng so với lợi nhuận thu được, thị trường Hoa Kỳ thực sự khó khăn hơn rất nhiều so với ở Châu Á", Tiruchelvam nói thêm.

David Yu đồng tình với quan điểm đó, ông cho biết việc giảm giá mạnh của Luckin không phải là cách tiếp cận bền vững. "Tôi luôn nói rằng việc giảm giá không bao giờ nên là một chiến lược dài hạn". Tuy nhiên, mức giá ngày càng đắt đỏ của Starbucks đã tạo ra một "cơ hội" cho Luckin, Yu cho biết: "Đây là thời điểm tốt cho Luckin nếu họ sẵn sàng giảm giá và định giá thấp hơn để thu hút khách hàng".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm