Chiều 10/12, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp ông David Petraeus - một trong những đồng sở hữu Quỹ đầu tư KKR, Mỹ. Đây là một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới với tổng giá trị tài sản 528 tỷ USD.
Trong lần thứ hai thăm Việt Nam và tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, ông David Petraeus mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Vị doanh nhân đánh giá cao những yếu tố giúp Việt Nam trở thành nơi "vô cùng thu hút" để đầu tư, như ổn định chính trị, an ninh trật tự tốt, hạ tầng đang được cải thiện nhanh, có quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, coi trọng giáo dục và đào tạo, dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, có nhiều lợi thế so sánh với các nước xung quanh. Nhiều nhà đầu tư đã nhận ra những yếu tố này và sẽ ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam.
Chúc mừng về thỏa thuận rất tích cực giữa Việt Nam với NVIDIA để xây dựng các hạ tầng quan trọng trong tương lai công nghệ, ông David Petraeus cho biết Quỹ đầu tư KKR sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam . Ông cũng khẳng định KKR cũng như ông tích cực ủng hộ mạnh mẽ việc hợp tác với Việt Nam, nhất là những nội dung mà Thủ tướng đã đề cập. “ Việt Nam là quốc gia mà KKR cần phải hành động nhiều hơn và sẽ hành động nhiều hơn” , ông David Petraeus nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Mỹ và là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới. Từ 2011 đến nay, quỹ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty của Việt Nam với nhiều thương vụ lớn mà nổi bật có Masan, Vingroup, ….
Cũng có thể nói, KKR là một quỹ đầu tư mát tay trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong các thương vụ được chúng tôi thống kê, "cá mập" này thường nắm giữ các khoản đầu tư trong một thời gian ngắn và thoái vốn khi có lời.
Có thể kể đến ví dụ với thương vụ Masan Consumer (MCH) - khoản đầu tư đầu tiên của KKR tại Việt Nam. KKR đã từng rót khoảng 359 triệu USD để mua lại hơn 18% cổ phần của Masan Consumer. Đến đầu năm 2016 KKR đã bán hết số cổ phiếu MCH nắm giữ. Có nguồn tin cho biết, KKR lời gấp đôi số tiền đã đầu tư trong thương vụ này.
Ngoài Masan Consumer, KKR cũng thắng lớn với khi đầu tư vào Masan Group (MSN) hay Vinhomes (VHM). Đầu tiên với thương vụ MSN, KKR đã thu lại tới 209 triệu USD khi thoái vốn trên tổng số tiền ban đầu là 100 triệu USD.
Còn với Vinhomes, KKR đứng đầu đã chi 650 triệu USD để mua vào hơn 6,6% vốn Vinhomes. Trong đó, Viking Asia Holdings II PTE. LTD, tổ chức liên quan tới KKR đã mua vào 5,5%. Khoảng 1 năm sau đó, Viking Asia Holdings II đã bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM ước tính thu về khoảng 3.468 tỷ đồng, lãi tới 1.070 tỷ đồng, tương đương 44% và không còn là cổ đông lớn từ đó
Tuy nhiên, KKR lại lỗ khi đầu tư vào Masan MeatLife (MML). Theo đó, năm 2017, KKR đã chi 150 triệu USD để mua cổ phiếu MML nhưng công ty này chỉ thu lại 112 triệu USD khi thoái vốn, tương ứng mức lỗ 38 triệu USD.
KKR còn quan tâm đến mảng giáo dục khi đã đầu tư khoảng 22 triệu USD vào tổ chức giáo dục tư nhân EQuest Education Group và đã bắt đầu giải ngân từ năm 2021. Theo đắng ký kinh doanh EQuest Education Group, Equinox II PTE.LTD- đơn vị thành viên của KKR đang nắm giữ gần 55% vốn của EQuest.
Trong năm 2021, KKR dẫn đầu khoản đầu tư 45 triệu USD (1.024 tỷ đồng) vào KiotViet trong vòng gọi vốn B.
Đến tháng 8/2023, một nguồn thạo tin cho hay, công ty đầu tư toàn cầu KKR của Mỹ đang đàm phán với Heliconia Capital – một quỹ đầu tư Singapore thuộc sở hữu của Temasek Holdings - để mua lại Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (MSG). Đây là doanh nghiệp điều hành chuỗi bệnh viện mắt tư nhân lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó.
Nguồn tin này không chia sẻ liệu giao dịch có được hoàn tất hay không, chỉ cho biết KKR hoặc Heliconia đã tiết lộ thông tin về cuộc đàm phán của họ nhưng chưa rõ các mức giá được đưa ra.