MWC 2023, triển lãm di động lớn nhất thế giới từ 27/2 đến 2/3, quy tụ các ông lớn trong ngành tham gia. Theo Android Authority, so với trước đại dịch, quy mô và số lượng sản phẩm đột phá năm nay ít hơn nhưng vẫn có một số cái tên đáng chú ý.
Laptop màn hình cuộn
Sản phẩm của Lenovo được xem là laptop màn hình cuộn đầu tiên trên thế giới, dù mới chỉ ở dạng nguyên mẫu. Lenovo cho biết công ty chưa có kế hoạch bán thiết bị ra thị trường.
Ở trạng thái bình thường, máy không khác laptop truyền thống. Tuy nhiên, phần cơ học sau màn hình cho phép mở rộng không gian hiển thị với tấm nền cuộn trong thân. Ngoài nút bấm có sẵn ở cạnh phải, Lenovo cũng trang bị điều khiển từ xa để mở rộng hoặc thu gọn kích thước màn hình.
Theo Android Authority, sản phẩm có tiềm năng lớn khi được bán ra thị trường, dành cho người muốn một thiết bị nhỏ gọn nhưng vẫn đủ không gian màn hình lớn khi cần mà không phải mua thêm màn hình rời. Dù vậy, máy có thể không bền như laptop truyền thống.
Smartphone sạc đầy trong 9 phút
GT3 là mẫu smartphone tầm trung mới nhất của công ty điện thoại Trung Quốc Realme. Điểm nhấn của sản phẩm là khả năng sạc siêu nhanh, từ 0% lên 100% cho viên pin 4.600 mAh chỉ trong 9 phút 30 giây nhờ công suất sạc 240 W cao nhất trên thị trường.
Về cấu hình, GT3 được trang bị màn hình 6,74 inch độ phân giải QHD+ và tần số quét 144 Hz, chip Snapdragon 8+ Gen 1, RAM 8/16GB, bộ nhớ từ 128 GB đến 1 TB. Sản phẩm dự kiến có giá từ 649 USD (15,5 triệu đồng).
Smartphone màn hình cuộn
Điện thoại màn hình cuộn của Motorola chưa có tên chính thức. Nhưng khi trượt lên, mặt sau màn hình hiện dòng chữ Moto Rizr. Ở chế độ sử dụng tiêu chuẩn, máy có kích thước nhỏ gọn hình hộp giống Galaxy Z Flip4 và có thể để vừa trong túi quần. Kích cỡ màn hình lúc này là 5 inch, tỷ lệ 15:9.
Khi nhấn đúp vào nút nguồn ở cạnh bên, màn hình dần trượt ra cho tỷ lệ 22:9, kích thước 6,5 inch, chỉ nhỏ hơn một chút so với các điện thoại hàng đầu như Galaxy S23 Ultra (6,8 inch). Một số trang công nghệ cho biết, trải nghiệm thực tế với máy khá thú vị nhưng thiết bị khó đảm bảo về độ bền. Thông số kỹ thuật, thời gian bán và giá của sản phẩm chưa được công bố.
Thiết bị giúp điện thoại kết nối vệ tinh
Hiện đã có một số hãng smartphone tích hợp tính năng vệ tinh nhằm hỗ trợ liên lạc khẩn cấp ở nơi không có sóng. Tuy nhiên, người dùng có thể chọn giải pháp đơn giản hơn bằng thiết bị Defy Satellite Link của Motorola.
Defy Satellite Link là phụ kiện nhỏ gọn, kết nối với điện thoại iOS và Android qua Bluetooth để gửi/nhận tin nhắn văn bản, chia sẻ vị trí hoặc tự kích hoạt cuộc gọi khẩn cấp ở nơi không có sóng điện thoại thông qua vệ tinh. Giá sản phẩm 99 USD, nhưng người dùng cần mua thêm gói dịch vụ Bullitt Group với giá 4,99 USD/tháng.
Đánh giá sức khỏe qua video selfie
Đồng hồ thông minh và thiết bị đeo được đánh giá đã giúp cách mạng hóa việc theo dõi sức khỏe. Giải pháp từ NuraLogix (Toronto) còn giúp quá trình này trở nên đơn giản hơn, chỉ với một đoạn video selfie.
Công nghệ mang tên Anura có thể phân tích chỉ số sức khỏe của một người bằng cách quay selfie dài 30 giây. Video sau đó dùng công nghệ Transdermal Optical Imaging để nhận diện sắc tố khuôn mặt, đưa ra các dự đoán về sức khỏe và lời khuyên điều trị. Công ty cho biết độ chính xác hiện đạt trên 90%.
Theo các chuyên gia, công nghệ của NuraLogix có tiềm năng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh từ xa hiệu quả hơn. Hiện bản thử nghiệm Anura đã có mặt trên iOS và Android nhưng tính năng hạn chế.
Camera dùng điện không dây
Mẫu camera Archos Cota Wireless Power Security của Ossia có thiết kế không cần dùng dây. Công ty tuyên bố đây là sản phẩm chạy bằng năng lượng không dây đầu tiên được bán trên thị trường.
Archos Cota Wireless Power Security có thể được đặt bất cứ đâu trong nhà, miễn là khoảng cách không quá 9 mét so với bộ phát điện không dây. Bộ phát này có công suất chỉ 2 W, nhưng đủ cung cấp năng lượng cho camera an ninh. Theo Ossia, giải pháp của công ty phù hợp cho những nơi không thể kéo dây điện.
Công nghệ biến ảnh chụp nhòe thành sắc nét
Ảnh bị nhòe, nhiễu là điều thường thấy khi chụp ảnh, nhất là khi chủ thể chuyển động. Tuy nhiên, nhà thiết kế cảm biến Prophesee đã hợp tác với Qualcomm để tạo ra công nghệ Metavision giúp biến hình ảnh lỗi trở nên sắc nét.
Metavision sử dụng AI và sức mạnh của chip Snapdragon để phân tích các pixel trên bức ảnh, sau đó sắp xếp và tối ưu hóa dựa trên ngữ cảnh của ảnh đó. Trong thử nghiệm trên smartphone chạy chip Snapdragon 8 Gen 1, công nghệ đã giúp xử lý ảnh nhòe trở nên sắc nét hơn.
Qualcomm và Prophesee kỳ vọng sớm ứng dụng Metavision, cũng như đang đàm phán với các nhà sản xuất bên thứ ba để đưa công nghệ này lên máy ảnh smartphone.