Doanh nghiệp

Loạt dự án điện mặt trời mái nhà "núp bóng" trang trại có nguy cơ bị ngừng thanh toán tiền điện

Lắp đặt tấm pin mặt trời áp mái trang trại ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: K.NAM

Lắp đặt tấm pin mặt trời áp mái trang trại ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: K.NAM

Đó là phương án xử lý trước mắt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu ra khi báo cáo thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh. 

Nhiều hệ thống chưa đầy đủ hồ sơ bị dừng thanh toán

Qua rà soát, EVN cho biết tính đến ngày 29-2 các tổng công ty điện lực đang thực hiện mua bán điện với 5.015 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư xây dựng trên mái nhà công trình chăn nuôi, trồng trọt với tổng công suất là 4.473.701,5 kWp.

Trong 5.015 hệ thống điện mặt trời mái nhà trên, sau khi rà soát có 414 hệ thống có công suất xấp xỉ 1MW (từ 1.200 kWp trở lên) với tổng công suất là 508.733,1 kWp.

Trong số này có 24 hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất xấp xỉ 1MW với tổng công suất 29.464,05 kWp chưa được chủ đầu tư cung cấp đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đến sử dụng đất, an toàn công trình xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Vì vậy, các tổng công ty điện lực đang tạm dừng việc thanh toán đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà mà chủ đầu tư chưa cung cấp đủ hồ sơ, thủ tục liên quan và chờ ý kiến xử lý của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra thực hiện quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh, xác định Bộ Công Thương đã ban hành và tham mưu một số văn bản có sơ hở, bất cập. 

Vẫn chờ Bộ Công Thương hướng dẫn về giá điện

Đơn cử như hợp đồng mua bán điện mẫu, không quy định cụ thể về "mái nhà" được sử dụng để lắp đặt các tấm quang điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà; không quy định cụ thể về việc chuyển nhượng dự án nhưng không được gộp các hợp đồng mua bán lên hệ thống...

Điều này dẫn tới nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu tư các hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại, vi phạm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất... mà vẫn được hưởng cơ chế ưu đãi như hệ thống điện mặt trời mái nhà. 

Theo kết luận thanh tra, trên thực tế nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất lớn (xấp xỉ 1MW) trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng lại được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà (giá FIT 8,38 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm).

Theo báo cáo của EVN, đối với các dự án điện mặt trời mái nhà được đầu tư trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, EVN và các tổng công ty điện lực cũng đã rà soát các quy định liên quan đến việc áp dụng giá điện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, đến nay EVN vẫn đang phải chờ Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể đối với phương án giải quyết, xử lý việc áp giá điện của các dự án, hệ thống đã đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.

Xử lý các hệ thống vi phạm

EVN cho biết trong năm 2021 và năm 2022 đã có 48 văn bản chỉ đạo các tổng công ty điện lực kiểm tra, rà soát tính tuân thủ các quy định pháp luật của chủ đầu tư; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương kiểm tra, giải quyết, xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà vi phạm các quy định.

Các tổng công ty điện lực cũng thực hiện biện pháp tạm dừng thanh toán đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa được chủ đầu tư cung cấp đủ các hồ sơ thủ tục. Trường hợp phát hiện các sai phạm thì buộc chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng và khắc phục hậu quả; còn nếu buộc tháo dỡ công trình hoặc buộc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì các công ty điện lực sẽ chấm dứt hợp đồng mua bán điện.

Các tổng công ty điện lực cũng đã tổ chức 52 đoàn kiểm tra, rà soát việc phát triển điện mặt trời mái nhà trên cả nước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm