Loài chim này chính là Hooded Pitohui, sống ở New Guinea. Theo trang IFLScience, nhóm nghiên cứu của chuyên gia cầm điểu học Jack Dumbacher đã tình cờ phát hiện ra chúng khi đang tìm hiểu loài chim thiên đường Raggiana nổi tiếng.
Để nghiên cứu chim thiên đường, nhóm đã dùng lưới bắt chúng và vô tình bắt được nhiều con chim Hooded Pitohui. Vì chúng không phải là đối tượng nghiên cứu nên họ đã thả chúng đi. Tuy nhiên, họ đã bị chúng mổ vào tay.
Do không có băng cá nhân, họ dùng tay và miệng để xử lý vết thương. Sau đó, miệng của họ bị bỏng và ngứa, thậm chí bị tê. Một số người khỏi sau vài giờ, trong khi một số người khác vẫn bị tê miệng cho đến sáng hôm sau.
Khi nghe nhóm nghiên cứu trao đổi sự việc, các hướng dẫn viên bản địa tỏ ra không lạ gì. Họ cho biết người dân địa phương gọi chim Hooded Pitohui là "chim rác" vì chúng không có lợi gì, thậm chí không thể ăn thịt.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu loài chim Hooded Pitohui và phát hiện chúng có chất độc trên lông. Chất độc này đã dính lên tay nhóm nghiên cứu khi họ chạm vào chim và dính lên miệng khi họ dùng miệng để liếm vết thương do chim mổ.
Đây là một loại chất độc thần kinh có tác dụng mạnh gọi là batrachotoxins. "Ban đầu nó có thể ngứa, cảm thấy tê. Nếu liều lượng nhiều hơn, nó có thể gây tê liệt, ngừng tim và tử vong. Nếu tính theo gram thì nó là một trong những chất độc nhất có trong tự nhiên", nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm cũng phát hiện chim Hooded Pitohui có độc trên lông là do nguồn thức ăn của chúng. Những con chim này đã ăn loài bọ cánh cứng Choresine pulchra, hay còn gọi là bọ "nanisani" có độc, ở New Guinea.
Hooded Pitohui tiêu hóa bọ cánh cứng nhưng tích tụ lượng chất độc của bọ trong mô, song không gây hại cho chúng. Chất độc này có thể ảnh hưởng đến các loài bò sát săn mồi, thậm chí có thể ngăn những kẻ săn mồi ăn trứng chim Hooded Pitohui.