Bất động sản

Lãnh đạo Taseco Land: Chuyển nhượng dự án Landmark 55 có thể lãi 500 - 600 tỷ đồng

Tóm tắt:
  • Taseco Land dự kiến thu 500-600 tỷ từ chuyển nhượng cổ phần Landmark 55.
  • Năm 2024, doanh nghiệp đã mở rộng quỹ đất lên 648 ha và bán nhiều dự án lớn.
  • Kế hoạch 2025 là đạt 4.332 tỷ doanh thu, chia cổ tức 15%.
  • Các dự án chủ đạo gồm KCN Đồng Văn 3, Khu đô thị Thanh Hóa, và dự án Nguyên Bình.
  • Công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2025.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 Taseco Land. (Ảnh: Hoàng Huy).

CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, mã: TAL) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Trong tài liệu gửi cổ đông, doanh nghiệp cho biết, trong năm 2024 doanh nghiệp đã phát triển thêm 94,36 ha đất tại các tỉnh Quảng Bình (dự án Quán Hàu 16,82 ha, dự án Lương Ninh 35,08 ha) và Hà Nội (dự án Long Biên 1,56 ha và dự án Mê Linh 40,9 ha), nâng tổng số quỹ đất lũy kế đến hết năm 2024 lên con số 648 ha.

Về công tác chuyển nhượng dự án, hoàn thành chuyển nhượng dự án B2-CC4 và dự án B3-CC2A cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức chuyển nhượng CTCP Đầu tư TAH và CTCP Tầm Nhìn Hồ Tây với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 2.200 tỷ.

Về công tác quy hoạch, đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án 115 ha Duy Tiên và KCN hỗ trợ Đồng Văn III. Hoàn thành lập, trình thẩm định đồ án quy hoạch 1/500 dư án Nam Đôn Lương, dự án Nam Sông Cầu, dự án Taseco Resort.

Ngoài ra, trong năm TAL đã mở bán cac dự án số 4 Thanh Hóa (hơn 250 sản phẩm); dự án Nam Thái (74 căn nhà phố thương mại) và dự án Nguyên Bình (hơn 300 sản phẩm).

Hướng đến quỹ đất 1.000 ha

Khu đô thị Central Riverside tại Thanh Hóa của Taseco Land. (Ảnh: Hoàng Huy).

Năm 2025, TAL trình cổ đông kế hoạch 4.332 tỷ doanh thu và 536 tỷ lãi sau thuế, chia cổ tức dự kiến 15%.

Trong đó, mảng bất động sản dự kiến đóng góp doanh thu 3.709 tỷ đồng, đến từ các dự án Nguyên Bình, dự án số 4 Thanh Hóa, dự án Nam Thái và KCN Đồng Văn 3. Mảng xây lắp sẽ đóng góp khoảng 239 tỷ và mảng dịch vụ là 384 tỷ đồng.

Năm nay, TAL sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành các dự án trọng điểm, đồng thời tìm kiếm và phát triển các dự án mới có tiềm năng, gia tăng giá trị, mở rộng quỹ đất, quỹ dự án tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên.... Mục tiêu trong năm 2025 sẽ phát triển thêm tối thiểu 4 dự án với tổng quỹ đất tăng thêm 350 ha.

Cụ thể, trong quý II/2025 đấu giá khu đất 6,6 ha; quý III/2025 sẽ đấu thầu 1 dự án 30 ha, 1 dự án công nhận chủ đầu tư, 1 dự án khu công nghiệp 248 ha; còn quý IV/2025 sẽ đấu thầu 1 dự án 62,5 ha.

Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, triển khai thu hồi GPMB dự kiến 151 ha; công tác giao đất triển khai thực hiện tại 5 dự án với tổng diện tích giao dất dự kiến 81,44 ha.

Bên cạnh đó, sẽ  khởi công xây dựng mới tại 6 dự án bao gồm: Dự án Trung Văn (tháng 6/2025); Dự án Long Biên (5/2025); Dự án Taseco Resort Đà Nẵng 10 ha (9/2025); Dự án Quán Hàu (10/2025 bắt đầu thi công cầu dẫn vào); Dự án NOXH Mê Linh 40,6 ha, hơn 1.000 căn (12/2025) và Dự án 115 ha Duy Tiên (12/2025).

Ngoài ra, tiếp tục triển khai kinh doanh dự án số 4 Thanh hóa; dự án Nguyên Bình; dự án Nam Thái; dự án ALC Hạ Long; dự án Lương Sơn và dự án NO1-T6. Đồng thời, nghiên cứu phương án kinh doanh 3 dự án mới là Long Biên, KCN hỗ trợ Đồng Văn 3 và Dự án Trung Văn.

Cũng tại đại hội năm nay, ban lãnh đạo TAL trình cổ đông thông qua phương án chuyển toàn bộ cổ phiếu đang đăng ký giao dịch UPCoM sang niêm yết HOSE. Nếu được thông qua, Công ty sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trong năm 2025.

Phiên thảo luận

Chủ tịch HĐQT Taseco Land Phạm Ngọc Thanh điều hành đại hội. (Ảnh: Hoàng Huy).

Cổ đông: Định hướng phát triển thời gian tới?

Ban lãnh đạo: Định hướng phát triển thời gian tới của TAL gồm: Phát triển các khu đô thị và các tòa nhà cao tầng; bất động sản công nghiệp 3 năm tới sẽ cố gắng có khoảng 6 dự án.

Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển song song nhưng không tràn lan. Hồi Covid-19 chúng tôi mua được dự án ở Đà Nẵng và Quảng Bình thì năm nay sẽ khởi công và triển khai, đều có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Thứ 4 là mảng dịch vụ bất động sản, vận hành khách sạn, khu công nghiệp tuy không có doanh thu lớn nhưng cũng sẽ là mảng phát triển đi kèm.

Cổ đông: Kế hoạch kinh doanh dự án Trung Văn?

Ban lãnh đạo: Trong tháng 5 sẽ bàn giao đất và khởi công hạ tầng, sau đó tính tiền sử dụng đất, sẽ kinh doanh dự án dự kiến khoảng cuối 2025 và ghi nhận doanh thu trong 2026.

Cổ đông: Tác động của thuế quan Mỹ đến mảng khu công nghiệp của TAL?

Ban lãnh đạo: Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp. Trước khi Mỹ công bố áp thuế (12/4) đã có những nhà đầu tư thuê đất ở KCN Đồng Văn 3. Ảnh hưởng chắc chắn có, nhưng chúng tôi sẽ phải chờ xem.

Tôi nghĩ thị trường Việt Nam vẫn có quá nhiều lợi thế công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đánh giá mảng này của Việt Nam rất tiềm năng với chi phí lao động rẻ. Thời gian tới chúng tôi sẽ phát triển mạnh KCN nhưng không tràn lan, không chạy theo phong trào mà chọn lựa vị trí hợp lý để đầu tư.

Cổ đông: Thông tin thêm về dự án Mai Đình, Sóc Sơn?

Ban lãnh đạo: Hiện chúng tôi xác định Hà Nội là thị trường luôn luôn tốt. Chúng tôi đang nghiên cứu nhiều dự án khác trong đó có cả dự án Mai Đình, lúc nào TAL đấu thầu trúng sẽ công bố sau.

Cổ đông: TAL có hưởng lợi từ Nghị định giảm tiền thuê đất 30%?

Ban lãnh đạo: Dự án của TAL chủ yếu là dự án nhà ở đô thị, được trả tiền sử dụng đất một lần nên nghị định này không có nhiều lợi ích với TAL, chỉ có phần nào đó dự án ở khu Ngoại giao đoàn TAL đang thuê đất.

Cổ đông: Kế hoạch cụ thể chuyển sang HOSE?

Ban lãnh đạo: Kế hoạch chuyển sàn HOSE chậm nhất hoàn thành trong tháng 11 năm nay. Nếu chuẩn bị thủ tục tốt thì có thể sớm hơn.

Với kế hoạch chuyển sàn, nhiều nhà đầu tư nội và nhà đầu tư ngoại đang quan tâm đến TAL. Thời gian tới chúng tôi chỉ xác định nắm 51% sở hữu ở TAL, còn lại sẽ dành cho các nhà đầu tư.

Cổ đông: Các dự án mang lại doanh thu chính cho 2025?

Ban lãnh đạo: KCN Đồng Văn 3 đang thi công hạ tầng, đã nhận các hợp đồng đặt cọc của các nhà đầu tư nước ngoài, doanh thu dự kiến của dự án này khoảng 1.300 tỷ.

Khu đô thị số 4 ở TP Thanh Hóa (Central Riverside) hiện đã hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình, hạ tầng, đang làm sổ cho từng lô liền kề, biệt thự, doanh thu năm nay khoảng 1.278 tỷ. Ngoài ra TAL sẽ có doanh thu từ dự án Nguyên Bình (Nghi Sơn, Thanh Hóa) khoảng 445 tỷ.

Cổ đông: Kế hoạch lợi nhuận có quá thận trọng hay không?

Ban lãnh đạo: Hiện KCN Đồng Văn 3 đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, chúng tôi đánh giá đây là phân khúc bất động sản ảnh hưởng nhất bởi nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Do đó TAL đặt kế hoạch bán hàng ở Đồng Văn 3 rất thận trọng.

Về bất động sản đô thị, TAL đang bán 3 dự án, trong đó 2 dự án ở Thanh Hóa. Thị trường bất động sản vừa qua có sự tăng trưởng cục bộ do sáp nhập, song Thanh Hóa không có sự sáp nhập, do đó thị trường Thanh Hóa vẫn ở vùng tương đối trầm so với những địa phương khác. Do đó kế hoạch bán hàng ở Thanh Hóa cũng không đặt mục tiêu cao.

Kế hoạch kinh doanh đặt ra là để đảm bảo vẫn duy trì được nguồn lực triển khai dự án khác và phân bổ quyền lợi cho cổ đông.

Dự án Landmark 55 TAL vẫn còn và có thể phát triển cùng nhà đầu tư khác để thu về dòng tiền. Chúng tôi đã mất 6 - 7 năm để thực hiện các thủ tục, nếu năm nay TAL chuyển nhượng cổ phần tại Landmark 55 thì có thể thu về 500 - 600 tỷ, song cũng có thể thực hiện trong năm sau.

Toàn cảnh khu đất làm KCN Đồng Văn III của Taseco Land. (Ảnh: Hoàng Huy).

Cổ đông: Kế hoạch bán hàng các dự án?

Ban lãnh đạo: Hiện dự án Đồng Văn 3 chúng tôi đang bán khoảng 63 ha, dự kiến thu về khoảng 1.300 tỷ (chưa thuế) với giá bán khoảng 94 - 95 USD/m2. Giai đoạn 2026 - 2027 chúng tôi sẽ tiếp tục bán dần khi hạ tầng toàn khu được hoàn thiện, đường tránh quốc lộ 38 được khởi công sẽ tăng giá bán. Biên lợi nhuận của Đồng Văn 3 dự kiến cũng cao hơn so với thị trường.

Tiến độ GPMB dự án Đồng Văn 3 hiện chỉ còn vài nghìn mét (cơ bản hoàn thành) và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công, dự kiến 30/9 sẽ hoàn thành công tác hạ tầng, chỉ có phần san lấp có thể kéo dài thêm theo đối tượng khách hàng. Cũng trong tháng 5 này, TAL dự kiến triển khai thêm 2 tuyến đường kết nối khu đô thị Duy Tiên (cũng của TAL) thông với KCN Đồng Văn 3.

Còn dự án KĐT số 4, chúng tôi cũng đợi đường Nam Sông Mã mở rộng cũng như các tòa NOXH của Vingroup xây dựng để kéo dân về và bán với giá tốt. Dự án Nguyên Bình chúng tôi cũng đều sẵn sàng bán, song vẫn đợi để tối ưu quyền lợi của cổ đông.

Dự án Trung Văn của ICON 4 được TAL mua lại vài năm nay, được giao đất từ 2009 song gặp vướng mắc điều chỉnh quy hoạch làm hồ Trung Văn. Hiện nay theo quy định, khi giao đất thì sau 3 tháng phải tính tiền sử dụng đất.

Dự kiến đầu tháng 5 chúng tôi sẽ được giao đất và triển khai hạ tầng, sau 90 ngày sẽ tính tiền sử dụng đất. Công ty ICON 4 (công ty con của TAL) đang sở hữu 70% dự án Trung Văn, gồm 114 lô liền kề và 530 căn chung cư.

Cổ đông: Biên lợi nhuận các dự án đang triển khai?

Ban lãnh đạo: Câu này rất khó trả lời bởi phụ thuộc vào thời điểm và vị trí của từng dự án. Việc sáp nhập cũng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Chúng tôi đánh giá việc thay đổi tỉnh thành chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản, đặc biệt là những nơi được chọn làm thủ phủ. Còn thay đổi ở mức tới đâu thì phải tùy vào từng địa phương, có thể trung tâm hành chính chuyển đi nhưng tiềm năng vẫn còn nhiều. Việc điều chỉnh phường, xã cũng sẽ có tác động, song nhìn chung việc sáp nhập sẽ làm tinh gọn bộ máy và có lợi cho cả nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản.

Hiện nay, tiền vay của TAL đang ở cơ cấu hợp lý, song dự kiến năm nay tổng số tiền vay sẽ tăng cao để phục vụ một số dự án như Trung Văn, dự án Mê Linh và khu đô thị Duy Tiên.

Ngược lại, TAL sẽ thu về một lượng tiền tương đối lớn từ các dự án số 4 Thanh Hóa, dự án ở Nghi Sơn, dự án Nam Thái. Chúng tôi cũng chia sẻ thêm, khả năng cao cuối tháng này TAL sẽ trúng đấu giá một khu đất tương đối đẹp.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục

Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chạm mốc quan trọng 3.500 USD/ounce. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Mua vàng nhẫn hay SJC lúc này lợi hơn?

Sáng nay (22/4), giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh lên mốc 118 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vàng miếng SJC có mức chênh lệch mua vào - bán ra thấp hơn vàng nhẫn từ 1 - 1,5 triệu đồng/lượng.

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

Xóa bỏ các đầu mối, chỉ Bộ Công Thương cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo Bộ Công Thương, việc chuyển quyền cấp xuất xứ hàng hóa về bộ sẽ giúp thống nhất trong hệ thống quản lý giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử của bộ, có hệ thống hậu kiểm và phối hợp với hải quan chặt chẽ hơn, đặc biệt giảm rủi ro xuất xứ hàng hóa giả hoặc gian lận xuất xứ.