Tại hội thảo: "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" sáng 15/7, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế ở mức 6%-7% là khả thi.
"Chúng tôi cũng có các kịch bản. trong đó kịch bản cơ sở có mức tăng trưởng là 6,8%-7,1%. Nếu tình hình tốt hơn thì tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn một chút, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc tốt hơn là khó. Nguyên nhân vì lạm phát đang bùng lên, nhiều quốc gia phải tăng lãi suất", ông Lực cho hay.
Các rủi ro, thách thức chính trong năm 2022 là lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (vẫn trong tầm kiểm soát), giải ngân đầu tư công chậm, doanh nghiệp còn gặp khó, nhân sự khó khăn.
"Trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, trong đó tất cả lãi suất của các quốc gia đều đi lên, trừ lãi suất của Trung Quốc là đi ngang hoặc đi xuống vì họ muốn phục hồi, kích cầu. Thậm chí trong quý vừa rồi họ cũng mới giảm thêm lãi suất cơ bản", Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin.
Về lạm phát tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có một vài điểm đáng chú ý. Một là lạm phát nước ta có độ trễ hơn so với quốc tế; hai là lạm phát cơ bản tăng thấp, 1,25%, cơ bản hiện nay do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền.
"Chúng tôi kiến nghị tín dụng năm nay có thể tăng mạnh hơn một chút, có thể là 15%. Nếu chúng ta chỉ kiên định 14% thì chương trình phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện hơn", TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Giá hàng hóa thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo.
Ở chiều ngược lại, có các yếu tố chính hỗ trợ kiềm chế đà tăng của lạm phát như kỳ vọng đà tăng giá cả hàng hoá, xăng dầu thế giới sẽ chậm lại và việc điều tiết giá cả hàng hóa, xăng dầu trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỷ giá và lãi suất kỳ vọng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần kiềm chế đà tăng giá. Thứ ba là sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và giá cả. Cuối cùng là việc truyền thông được chú trọng.
Nói thêm về điểm tích cực của kinh tế Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, về phía cung, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng ở mức bình thường, thấp hơn một chút so với năm ngoái. Công nghiệp tăng trưởng ở mức tốt. Lĩnh vực dịch vụ phục hồi rất tốt và đã trở về gần với trạng thái trước dịch COVID-19.
Về phía cầu, các lĩnh vực như xuất khẩu, đầu tư tiêu dùng đều có tín hiệu tích cực. "Tuy nhiên, chương trình phục hồi triển khai chậm, như các gói đầu tư công. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới triển khai tốt hơn", ông nói.
Tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ về trạng thái trước dịch, xuất khẩu cũng vậy. FDI có phần giảm. Về FDI, việc Trung Quốc thực hiện "chính sách Zero COVID" mang lại điểm tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, theo ông, việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không thì cần phải bàn thêm.