Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết địa phương có gần 9.450 người có nhu cầu về nhà ở xã hội, trong đó chiếm phần lớn là công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, Khu công nghiệp Phú Hội và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nhà ở tại địa phương đặt ra chỉ dành cho hơn 7.000 người.
Sở Xây dựng sẽ tiến hành đánh giá lại kết quả phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và hiện trạng nhà ở, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2026 - 2030 để tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở trong giai đoạn tới.
Mục tiêu trong năm nay là tiến hành rà soát các vị trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và xây dựng ít nhất một dự án thuộc phân khúc này tại TP Đà Lạt.
Trong đó, UBND TP Đà Lạt là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thu hồi đất và sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để chậm tiến độ khởi công dự án theo kế hoạch.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng thông tin đến nay UBND TP Đà Lạt vẫn chưa không có báo cáo rà soát quỹ đất thực hiện dự án để đánh giá cụ thể khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu.
Trước đó trong giai đoạn 2021 - 2023, UBND TP Đà Lạt đã rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư ba dự án nhà ở xã hội. Hai dự án tại TP Đà Lạt đang được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm Nhà ở xã hội Kim Đồng (phường 6, TP Đà Lạt) và Nhà ở xã hội khu quy hoạch 5B - CC5 (phường 4, TP Đà Lạt).
Riêng dự án Nhà ở xã hội Sào Nam đang rà soát pháp lý có liên quan để trình duyệt chủ trương đầu tư.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, UBND TP Đà Lạt tập trung rà soát, đánh giá về nhu cầu thực tế nhà ở xã hội trên địa bàn để xây dựng, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025.
Trong đó, các đơn vị tập trung rà soát quỹ đất, bao gồm một số vị trí đất công ở xa trung tâm TP Đà Lạt hoặc một số quỹ đất đang bố trí nhà tạm cư nhỏ lẻ, không hiệu quả trên địa bà) để tổ chức lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Nội dung này phải báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30/10/2024.
Những vướng mắc điển hình trong việc làm dự án nhà ở xã hội
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, quá trình lập hồ sơ, thẩm định chủ trương dự án nhà ở xã hội kéo dài do vị trí quy hoạch dự án chưa phải là đất sạch, phải khảo sát đánh giá sơ bộ phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, đề xuất cơ chế thực hiện (ví dụ như ba dự án CC5, Kim Đồng, Sào Nam kể trên).
Bên cạnh đó, vị trí thực hiện dự án có đất hỗ hợp, phải rà soát pháp lý do liên quan đến các quy định khác, điển hình là dự án Sào Nam. Hay như năng lực lập hồ sơ đề xuất chủ trương còn hạn chế, thời gian tham gia ý kiến của các đơn vị kéo dài… cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Quá trình thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, các dự án nhà ở xã hội phải mời mới có nhà đầu tư quan tâm. Theo quy định hành, quy trình thực hiện đến khi phê duyệt kết quả đấu thầu mất khoảng 205 ngày, chưa bao gồm thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ năng lực.
Công tác thu hồi đất cho các dự án nhà ở xã hội thời gian qua nhìn chung vẫn còn chậm so với lộ trình đã được UBND tỉnh thống nhất.