Chứng khoán

Kinh tế trưởng SSI: Không nên quá kỳ vọng vào câu chuyện chốt NAV cuối năm của các quỹ hay chạy theo các cổ phiếu "có game"

Thị trường dần đi đến những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022. Trải qua một năm đầy biến động với nhiều biến cố lớn xuất hiện, VN-Index đã lao dốc mạnh từ mức đỉnh 1.528,6 thiết lập hồi tháng 4/2022 xuống mức đáy 911,9 điểm vào tháng 11/2022, tương đương mất hơn 40% giá trị.

Các đợt sụt giảm mạnh này đã khiến hơn 90% cổ phiếu ghi nhận giảm giá, trong đó nhiều mã giảm đến 60 - 70% giá trị và liên tục xác lập mức đáy mới của năm.

Sau giai đoạn bán tháo liên tục và tạo đáy ở vùng điểm 873, thị trường dần ổn định trở lại và đang vận động đi ngang trong khu vực 1.000 – 1.080 điểm. Trước diễn biến lình xình hiện tại, thị trường lại xôn xao chờ đợi câu chuyện chốt NAV cuối năm để làm đẹp báo cáo tài chính của các quỹ.

Điều này để ngỏ kỳ vọng sẽ xuất hiện sóng tăng vào những phiên giao dịch cuối năm khi các tổ chức bỏ tiền để kéo giá cổ phiếu mình sở hữu lên qua đó làm tăng giá trị danh mục. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy không phải lúc nào thị trường cũng có biến động lớn trước và sau thời điểm chốt NAV của các quỹ.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ trong chương trình “Bí mật đồng tiền”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng nếu như trong dịp lễ Giáng sinh có hoạt động trang trí cửa sổ thì “Window Dressing” cũng tương tự với việc chốt NAV trong đầu tư.

Điều này có thể hiểu là các quỹ đầu tư vào cuối kỳ kế toán thường sử dụng các thủ thuật làm đẹp báo cáo tài chính khiến hiệu suất danh mục có vẻ tốt hơn trước khi trình bày cho khách hàng hoặc cổ đông. Mục đích “Window Dressing” thường phục vụ cho việc huy động vốn dễ dàng hơn trong năm sau. Tuy nhiên ông Hưng cho biết thực tế các quỹ đã huy động vốn khá nhiều trong giai đoạn thị trường giảm sâu từ tháng 9 đến tháng 11, không cần đến giai đoạn đầu năm sau.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý một số quỹ của Nhật có năm tài chính rơi vào tháng 3, một số quỹ khác lại vào tháng 6, dù vậy thì số lượng quỹ chốt NAV vào thời điểm tháng 12 cũng tương đối nhiều.

"Điểm khác biệt là thị trường chứng khoán đã giảm rất sâu trong năm nay, giống như một cái nhà đã bị hư hại nhiều thì việc bạn cố gắng trang trí cho cửa sổ mùa Noel thêm lộng lẫy cũng không thể thay đổi được bản chất, do đó tôi không đánh giá cao câu chuyện chốt NAV cuối năm", ông Hưng chia sẻ.

Bên cạnh câu chuyện chốt NAV cuối năm, nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm những "món quà" trong mùa Giáng sinh cuối năm dựa trên những câu chuyện thâu tóm và đổi chủ ngay trên sàn qua khớp lệnh. Điển hình như cổ phiếu HPX có những phiên cổ phiếu lưu hành chỉ khoảng 300 triệu đơn vị thì khớp lệnh lên đến hơn 160 triệu và những phiên sau đó liên tục khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị. Từ đó đặt ra câu hỏi về việc có ai đó đang thâu tóm và mua lại qua sàn chứng khoán.

Bàn luận về vấn đề này, ông Hưng cho biết khi tư vấn đầu tư mọi người hay dùng từ cổ phiếu có “game” và câu chuyện này xuất hiện rất nhiều vào giai đoạn 2020 - 2021. Cổ phiếu có “game” rất được giới trẻ ưa thích không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ, bởi vì mong muốn chiến thắng là rất cao.

"Nhưng trên thực tế thì những “game” về doanh nghiệp chúng ta đang nói ở trên mạng xã hội thường ẩn chứa trong đó "thuyết âm mưu" rất cao. Nếu thực sự có "game" thì tại sao nó lại được đăng tải một cách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội như vậy?

Do vậy tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá suy diễn quá các giao dịch lớn của các cổ phiếu hay cố gán cho nó một “game” gì đó, nhất là việc đầu tư theo nữa thì rủi ro là rất lớn. Với các nhà đầu tư khi nghe những câu chuyện kiểu như vậy, trừ khi nắm bắt được hết thông tin và có thể suy xét cho bản thân để làm bài tập, tốt nhất là không nên tin theo", ông Hưng khẳng định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm