Trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2024, tại phần kiểm toán hoạt động quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng có sự trợ giá của nhà nước giai đoạn 2022 - 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết, so với các tuyến xe buýt khác, tuyến BRT 01 được thiết kế chạy trên làn đường riêng rộng 3,5 m với tổng mức đầu tư lớn.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng tuyến xe buýt nhanh BRT 01 Hà Nội chưa phát huy hiệu quả so với xe buýt thông thường, trong khi còn làm giảm bề rộng mặt đường của các loại phương tiện khác
ẢNH: GIA HÂN
Cùng đó, đơn giá đặt hàng ban hành cho BRT gấp 1,85 lần so với đơn giá của xe buýt thường có sức chứa tương đương và 1,58 lần xe buýt điện.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, hiệu quả khai thác chưa thể hiện được ưu điểm so với các tuyến xe buýt khác về vận tốc, số lượng hành khách tham gia. Trong khi đó, tuyến BRT còn làm giảm bề rộng mặt đường cho các loại phương tiện khác tham gia giao thông.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, công tác quản lý vận tải hành khách công cộng có trợ giá tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (cũ) còn nhiều hạn chế, như việc lập và triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới còn trùng tuyến giữa các tuyến hướng tâm và xuyên tâm; chưa phù hợp quy hoạch, đề án được duyệt; chưa kết nối với một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chưa phù hợp nhu cầu sử dụng của công nhân...
Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá, bộ định mức kinh tế kỹ thuật và bộ đơn giá của các địa phương còn một số hạn chế liên quan đến quy định về chi phí, lợi nhuận định mức, một số căn cứ pháp lý xây dựng định mức đã hết hiệu lực, bị bãi bỏ hoặc được thay thế nhưng chưa được điều chỉnh
Chưa kể, việc xây dựng dự toán kinh phí trợ giá xe buýt chưa đảm bảo quy định; thực hiện chưa sát dự toán giao, phải điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh dự toán không đúng quy định. Kinh phí trợ giá có xu hướng tăng qua các năm, song lượng người sử dụng có xu hướng giảm dần cho thấy kinh phí trợ giá chưa được sử dụng hiệu quả, chưa đảm bảo mục tiêu.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, qua kiểm toán chọn mẫu một số dự án cho thấy việc quản lý, thực hiện hợp đồng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, tại TP.Hà Nội, một số gói thầu, xe đã quá thời hạn 10 năm tính từ ngày đăng ký xe lần đầu, nhưng vẫn hoạt động trên tuyến và được nghiệm thu khối lượng hành trình, thanh toán, quyết toán, theo quy định tại hợp đồng cung cấp dịch vụ các tuyến 58, 60A, 74.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ chưa cụ thể về phương pháp điều chỉnh giá, phương án trợ giá, không quy định doanh thu tối thiểu, việc hỗ trợ lãi vay, như tại tỉnh Bắc Ninh.
Tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được Hà Nội đưa vào hoạt động từ tháng 12.2016 với tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỉ đồng, được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội có chiều dài hơn 14,7 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỉ đồng/xe.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT, tuy nhiên, tới nay, tuyến BRT 01 là tuyến buýt nhanh duy nhất của thủ đô.