Chứng khoán

Không phải nâng hạng thị trường, chuyên gia chỉ ra một yếu tố then chốt giúp dòng vốn ngoại trở lại chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới

Tại Hội thảo VPBankS Talk 4 “Vững vàng vượt sóng gió” do Chứng khoán VPBank tổ chức mới đây, ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định năm 2024 đang dần khép lại với những chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế và lạm phát cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào nền kinh tế vẫn có nhiều điểm chưa được như kỳ vọng, điều này khiến thị trường chứng khoán diễn biến thất thường trong 2/3 nửa cuối năm.

“Tôi cho rằng TTCK phản ánh rất đúng tình trạng nền kinh tế Việt Nam. Tức là mặt ngoài chúng ta có sự cải thiện nhất định, song để bứt phá thì chưa có”, ông Phạm Thế Anh nhận định.

Không phải nâng hạng thị trường, chuyên gia chỉ ra một yếu tố then chốt giúp dòng vốn ngoại trở lại chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới- Ảnh 1.

Lãi suất có thể nhích nhẹ

Theo chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều câu chuyện lớn. Những năm trước đây, chúng ta chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Việt Nam đang đi từ cải cách thể chế, từ đó đi vào chính sách kinh tế lớn.

Chính phủ đang quyết tâm thực hiện các chương trình, chính sách lớn từ sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đây đều là các chương trình lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và nếu thành công thì Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình.

Động lực tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2025 vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với khởi động loạt dự án mới. Động lực tiếp theo là xuất khẩu, song xuất khẩu có thể tăng chậm lại trên nền cao của năm nay, cộng với bất ổn chính sách thuế của ông Trump.

Tiếp nữa là tăng trưởng kinh tế thế giới theo dự báo của các tổ chức trên thế giới sẽ chậm lại kéo theo nhu cầu yếu. Xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục, không chỉ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn từ lợi thế vị trí địa lý, giá lao động ở Việt Nam vẫn rẻ.

Về kỳ vọng hạ lãi suất, ông Phạm Thế Anh cho rằng việc điều hành lãi suất phụ thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất làlạm phát trong nước. Sắp tới, chính sách thuế của ông Trump có thể duy trì mặt bằng giá nguyên liệu ở mức thấp từ việc khuyến khích khai thác trở lại dầu đá phiến, năng lượng điện thay thế dần năng lượng hóa thạch. Theo đó, mặt bằng giá nguyên, nhiên liệu duy trì giá thấp giúp chi phí sản xuất của Việt Nam dễ chịu.

Tỷ giá cũng giúp giá nhập khẩu nguyên vật liệu duy trì mức thấp vì VND có mất giá song so với các đồng tiền khác vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp mà phải duy trì quanh mức 3 – 4%. Nếu nhìn vào lịch sử cũng như hiện tại để thấy rằng lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp như các nước phát triển khi đối diện sức ép tăng lương, giá bất động sản, giá nhà tăng sẽ chuyển dần vào giá tiêu dùng.

“Với mức lãi suất hiện nay, tôi cho rằng không kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới, thậm chí có thể sẽ phải tăng nhẹ. Bởi so với trước dịch Covid thì lãi suất hiện nay đã thấp hơn rất nhiều, lãi suất tiết kiệm khoảng 7 – 8% hiện nay thì khoảng 6%, thậm chí thấp hơn”, vị chuyên gia cho biết.

Câu chuyện nâng hạng có thực sự thu hút được dòng vốn ngoại?

Với câu hỏi nâng hạng thực sự thu hút được dòng vốn ngoại, ông Phạm Thế Anh cho rằng nâng hạng là điều kiện nhưng không phải là tất cả để thu hút dòng vốn ngoại. Đây chỉ là chất xúc tác dựa trên những điều kiện khác như tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định.

Chuyên gia chỉ ra rằng yếu tố quan trọng khác để thị trường thu hút vốn ngoại trở lại là nhìn vào chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam và Fed có thể giảm mạnh lãi suất về 2% như trước đây hay không. Tuy nhiên, để lãi suất Mỹ hạ về 2% phụ thuộc vào lạm phát, vấn đề thị trường lao động và giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới.

Thêm nữa, chúng ta phải theo dõi thêm chính sách thuế quan, nếu các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán và không có chính sách “trả đũa” lẫn nhau thì đến một thời điểm dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam.

“Hiện nay, TTCK Việt Nam tiềm năng rất lớn do đang ở nền định giá thấp, còn các thị trường khác đang có mức định giá rất cao, đặc biệt là thị trường Mỹ. Tôi kỳ vọng khi lãi suất hạ, định giá thị trường Mỹ không còn hấp dẫn thì dòng vốn vào cổ phiếu lẫn trái phiếu Mỹ đảo chiều và sẽ chảy vào các Emerging Market.

Thị trường nào tận dụng được cơ hội sẽ đón dòng vốn mạnh mẽ. Với chính sách cải cách của Việt Nam, chúng ta kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại quay trở lại”, chuyên gia kỳ vọng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm