Kỹ năng sống

Không khí ‘rất xấu’, người Hà Nội ám ảnh với bệnh hô hấp

Ba tuần gần đây, chị Hà Nhung, 34 tuổi, Hà Nội phải liên lục bật máy lọc không khí để thoát cảnh nghẹt mũi, đau họng do trời hanh khô, lại thêm chất lượng không khí ở mức rất xấu.

Cả 3 thành viên trong gia đình chị gần đây đều mắc bệnh hô hấp. Con trai 5 tuổi bị viêm phế quản nặng, phải rửa mũi và uống kháng sinh liên tục. Chồng chị làm công việc giao hàng, thường xuyên phải di chuyển ngoài đường nên bị viêm mũi dị ứng kèm viêm họng cấp, liên tục phải súc họng và uống kháng sinh liều cao.

Bản thân chị Nhung có tiền sử viêm xoang, những ngày gần đây bắt đầu có biểu hiện nghẹt mũi, khó thở.

“Mọi năm cứ đến mùa này, gia đình đều gặp các vấn đề về bệnh hô hấp, nhưng năm nay các biểu hiện bệnh nặng hơn, phần vì hanh khô lại kèm chất lượng không khí xấu”, chị Nhung nói.

Không khí ‘rất xấu’, người Hà Nội ám ảnh với bệnh hô hấp- Ảnh 1.

Chị Nhung chuẩn bị nước muối cho chồng con súc họng mỗi ngày. (Ảnh: NVCC)

Sinh sống ở Hà Nội lâu năm, chị Nguyễn Thị Thắm (58 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cảm nhận rõ sự thay đổi của không khí, thời tiết trong vài năm trở lại đây. Hai con của chị gần đây phải nhập viện vì viêm phế quản, viêm mũi dị ứng kèm sốt cao.

Chồng chị làm quản lý công trình xây dựng, thường xuyên phải ra khỏi nhà từ sáng sớm nhưng thay vì được hít thở bầu không khí trong lành thì phải đối mặt với bụi mịn dày đặc. Gần đây, anh hay bị nổi mề đay, cay mắt, đau họng, khó thở.

Lo sức khoẻ của chồng bị ảnh hưởng nặng bởi chất lượng không khí xấu, chị Thắm mua các loại khẩu trang chống bụi và nước muối vệ sinh mắt, mũi nhưng mức độ cải thiện không đáng kể. Tình trạng ngứa do mề day cũng vì thế trở nên trầm trọng, bác sĩ phải kê thêm thuốc dị ứng.

Ngán ngẩm với cảnh tiếp xúc ô nhiễm hằng ngày, không ít lần hai vợ chồng chị Thắm tính phương án về quê sống.

Nên hạn chế ra ngoài khi không khí ở mức rất xấu

Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 219, ngày 8/1, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, chất lượng không khí ở vùng màu tím, mức “rất xấu". Thậm chí có trạm đo ở quận Tây Hồ (Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI là 324, màu nâu, mức "nguy hiểm".

Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) lên đến mức xấu.

Mặc dù ô nhiễm không khí có quy luật biến đổi theo mùa và bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu, thời tiết, tuy nhiên dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.

Không khí ‘rất xấu’, người Hà Nội ám ảnh với bệnh hô hấp- Ảnh 2.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời khi không khí ở mức rất xấu. (Ảnh: Đắc Huy)

Bộ Y tế có khuyến cáo các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức "xấu" (AQI 151-200) và "rất xấu" (AQI ở mức 201-300). Người dân cần theo dõi các thông tin chất lượng không khí hằng ngày để có biện pháp bảo vệ phù hợp.

"Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201-300), người dân cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời, nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải", Bộ Y tế khuyến cáo.

Đồng thời, người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào khi không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình ở gần đường giao thông. Cần vệ sinh mũi, súc họng sáng và tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bên cạnh đó, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201-300), những người nhạy cảm cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc đổi sang ngày khác, khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn.

Nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị. Không tự ý dùng thuốc tại nhà, khám bệnh và điều trị theo đúng phác đồ được chỉ định là hai lưu ý quan trọng cho người mắc bệnh phổi mạn tính.

Không khí ở Hà Nội chuyển biến xấu từ tháng 10/2024 khi thời tiết giao mùa và bước vào chính đông. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như thành phố Hà Nội đang triển khai các biện pháp để giảm thiểu nguồn phát thải. Với nguồn phát thải lớn nhất từ giao thông, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch vùng phát thải thấp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm