Bất động sản

"Không hy sinh công trình phúc lợi để làm khu thương mại"

Nội dung này được Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 chiều 17/6, trong bối cảnh nhiều đô thị lớn của Việt Nam hiện nay chỉ chú trọng thu hút nhà đầu tư xây trung tâm thương mại, căn hộ mà quên đi nghĩa vụ triển khai các hạng mục công trình phục vụ cộng đồng.

Phó thủ tướng nhìn nhận, sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, cả nước có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn sau 11 năm (2010 - 2021) tăng từ 30,5% lên 40,5%.

Bên cạnh đó, theo ông, không gian đô thị cũng đã được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng cao, đóng góp hàng năm khoảng 70% GDP cả nước...

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra việc quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Cụ thể, tỷ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, hiện đại còn chưa nhiều.

Ngoài ra, theo ông việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn gặp vướng về cơ chế, chính sách... Các đô thị vẫn gặp tình trạng chung là tắc nghẽn giao thông, ngập úng, tỷ lệ đất giao thông, cây xanh còn chưa đảm bảo theo yêu cầu...

Trên thực tế, đây là vấn đề nan giải với nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM... Chẳng hạn ở TP HCM, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích cây xanh trên toàn địa bàn khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2 một người.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng, toàn thành phố hiện có hơn 508 ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của TP HCM chỉ đạt bình quân 0,55 m2 một người (trên quy mô dân số 9 triệu người), thấp hơn nhiều so với quy hoạch được phê duyệt,...

Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng cho biết Việt Nam đã đặt quyết tâm phát triển đô thị bền vững, nhằm xây dựng các đô thị tiệm cận tiêu chuẩn văn minh, hiện đại.

Muốn vâỵ, ông cho rằng các đơn vị chức năng cần tiếp tục đổi mới tư duy trong quy hoạch và quản lý; có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại diễn đàn chiều 17/6. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại diễn đàn chiều 17/6. Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng, việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, đồng thời chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng số, giao thông, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường.

Ông Thành cho rằng các khu vực phát triển mới là cơ hội để Việt Nam phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh. Từ khâu quy hoạch tới quá trình triển khai xây dựng cần bảo đảm thực hiện thật nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung.

Ngoài ra, việc phát triển đô thị cũng phải bảo đảm giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo, gia đình chính sách, công nhân. Trong quá trình đó cần quan tâm đặc biệt tới việc chỉnh trang các khu đô thị cũ, các khu chung cư đã xuống cấp...

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cũng đồng tình việc cần đổi mới trong tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hoá và phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam cần nắm bắt được quy luật, đặc thù của đô thị để có thể sáng tạo các giải pháp phù hợp với từng địa phương. Việc cải tạo, tái thiết đô thị cũng cần thực hiện đồng bộ, hài hoà giữa cái cũ và mới, có sự liên kết ngành, vùng và đa chiều giữa các đô thị.

Theo ông, Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Ông lưu ý cần khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh đề cập đến việc phải phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Ngoài ra, Việt Nam cần phát huy, khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm