7 năm trước, khi đang làm công nhân ở tỉnh Bắc Ninh, anh Trần Đình Nhâm (SN 1993, xã Sơn Hồng, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) khao khát có chút vốn để về quê lập nghiệp. Những mong mỏi này anh luôn tâm sự với người thân trong gia đình để có kế hoạch cho tương lai.
Trước khi quyết định về quê, anh Nhâm trăn trở phải nuôi con gì, làm việc gì khi quê anh thuộc vùng núi hẻo lánh xa xôi. Năm 2017, trong một lần tình cờ đi chơi tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), anh nhận thấy con dúi dễ nuôi lại có cơ hội phát triển kinh tế. Vì vậy những ngày sau đó anh thường xuyên lên mạng internet để tìm hiểu thông tin và cách nuôi dúi.
Chuồng trại nuôi dúi của anh Nhâm được xây dựng tại khu vườn của gia đình.
“Dúi chỉ ăn mía, tre nứa, thân cỏ voi, ngô, sắn. Những nguồn thức ăn này rất dễ tìm kiếm, có sẵn rất nhiều tại quê nên tôi đã mua 2 cặp với giá hơn 5 triệu đồng về nuôi thử”, anh Nhâm chia sẻ.
Hai cặp giống được anh Nhâm đưa về nuôi thử, nhưng ban đầu do chưa có kinh nghiệm về cách phòng bệnh, chăm sóc nên hai con bị chết.
Dù bước đầu thất bại nhưng anh Nhâm vẫn quyết tâm mày mò, tìm hiểu để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó anh biết thức ăn cho dúi như tre, nứa, mía không được quá non hoặc quá già. Đặc biệt loài vật này kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao.
Anh Nhâm nuôi dúi thu lãi 200 triệu/năm.
Khi đủ tự tin, cuối năm 2018, anh Nhâm xin giấy chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã theo quy định của pháp luật. Sau đó anh Nhâm đã xây dựng chuồng trại rộng 150m2, mua 20 cặp dúi với giá 60 triệu đồng để nuôi. Chỉ sau 3 tháng nuôi, anh Nhâm đã bán được cặp giống đầu tiên ra thị trường.
“Đến nay trại có khoảng 200 con, được nuôi tại hai chuồng xây dựng khép kín. Nhờ lợi nhuận từ nuôi dúi, năm ngoái tôi đã tích góp được một khoản tiền để xây dựng căn nhà mới cho vợ chồng ở riêng”, anh Nhâm chia sẻ.
Từ 5 triệu đồng khởi nghiệp, nay anh Nhâm đã có thu nhập cao từ nuôi dúi.
Toàn bộ quy mô chuồng trại nuôi dúi của anh Nhâm được xây dựng khép kín, đảm bảo mát về mùa hè và kín gió vào mùa đông.
Anh Nhâm chia sẻ, dúi là loài vật dễ chăm sóc, trong khi đó lợi nhuận cao, không cần bỏ chi phí nhiều. Mỗi ngày chỉ cho dúi ăn 2 lần sáng và tối. Tre, mía, thân cỏ voi được chặt thành từng phần dài khoảng 10-20cm. Ngoài ra, anh còn bổ sung thêm các loại nông sản vào khẩu phần ăn như ngô, khoai, sắn để chúng có thêm chất dinh dưỡng.
Anh Nhâm dùng dao chặt những thân tre để cho dúi ăn.
Theo anh Nhâm, mỗi năm dúi mẹ đẻ khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa khoảng 3 - 5 con. Sau khi dúi được sinh khoảng 45-50 ngày sẽ xuất bán theo giống cặp. Hiện nay, dúi giống trọng lượng từ 200-400g/con, anh Nhâm bán ra thị trường với giá 800.000-1.000.000đồng/cặp. Còn những cặp dúi giống lớn hơn anh bán từ 2-4 triệu đồng/cặp, trừ chi phí mỗi năm anh thu nhập trên 200 triệu đồng.
Bí thư Đoàn xã Sơn Hồng – Phan Tiến Cường cho biết, anh Nhâm là một trong những gương thanh niên phát triển kinh tế điển hình ở địa phương. Mô hình nuôi dúi đầu tư ít nhưng có hiệu quả về kinh tế. Hiện nay Đoàn xã cũng đang khuyến khích các thanh niên trong địa bàn học hỏi mô hình để chăn nuôi loài vật này.