Nhiều phụ huynh phải vất vả dỗ trẻ quấy khóc - Ảnh: ALAMY
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín Current Biology mới đây đã giải thích lý do và "mách" các phụ huynh cách dỗ trẻ con quấy khóc.
Nghiên cứu do các chuyên gia thuộc Đại học Trento (Ý) thực hiện. Họ đã đặt máy theo dõi nhịp tim trên 21 đứa trẻ đang khóc, các bé trong độ tuổi từ sơ sinh đến 7 tháng.
Nhóm cũng ghi hình những em bé này và theo dõi diễn biến tâm trạng của trẻ trong các tình huống như cha mẹ bế quanh phòng, cha mẹ ngồi bế và cha mẹ đặt trẻ trở lại nôi.
Kết quả, nhóm nhận thấy khi trẻ đang khóc mà được cha mẹ bế lên đi quanh phòng, nhịp tim của trẻ chậm lại. Trẻ có thể ngừng khóc trong vòng 5 phút được bế đi, một số thậm chí ngủ luôn.
Tuy vậy, trẻ sẽ có xu hướng phản ứng với những cử động của cha mẹ, cho dù chúng có đang ngủ sâu hay không. Nhịp tim của em bé tăng nhanh nếu cha mẹ quay người hoặc vừa mới đặt chúng xuống.
Trẻ sơ sinh được mẹ ngồi ôm trong lòng ít nhất 5 phút có xu hướng nhịp tim chậm hơn và dễ ngủ hơn sau khi được đưa vào nôi - Ảnh: ALAMY
Nhóm nghiên cứu cho rằng cần có một "bước chuyển" từ trạng thái bế em bé đi đi lại lại sang đặt bé trở lại vào nôi. "Bước chuyển" này nên là cha mẹ dừng đi, ngồi nghỉ 5 phút trong khi vẫn bế bé trên tay.
Phân tích từ nhiều cuộc khảo sát của nhóm chỉ ra trẻ sơ sinh được mẹ ngồi ôm trong lòng ít nhất 5 phút có xu hướng nhịp tim chậm hơn và dễ ngủ hơn sau khi được đưa vào nôi.
Nếu không có giai đoạn bế ngồi, nhiều đứa trẻ trong nghiên cứu được ghi nhận nhịp tim tăng nhanh sau khi được đặt xuống nôi. Nhiều trường hợp trẻ sẽ tỉnh dậy ngay lập tức.
Bà Sarah Berger - nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Staten Island (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu - cho biết đã có rất nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa trẻ sơ sinh và bà mẹ. Nhưng đây là một trong những dự án đầu tiên cho thấy cách em bé phản ứng với một số hành vi của mẹ khi đang ngủ.
Theo ông Gianluca Esposito, trong những đêm trẻ mất ngủ và quấy khóc, phụ huynh có thể thử phương pháp này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phương pháp này không phải là "cây đũa thần" trong mọi trường hợp.