Kỹ năng sống

Khi người Hà Nội chuyển mình sang giao thông xanh: Đổi thói quen, tạm biệt… cây xăng!

TIN MỚI

Giao thông Hà Nội, từ lâu đã trở thành một "nỗi ám ảnh" không chỉ với những người tham gia giao thông mà còn đối với chính những cư dân sinh sống tại thủ đô. Tắc đường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn của xe cộ dường như đã trở thành những dấu ấn không thể thiếu trong nhịp sống đô thị nơi đây. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hà Nội đang dần có những thay đổi mạnh mẽ, hướng tới việc xây dựng một hệ thống giao thông xanh, thông minh, và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, người dân thủ đô cũng đang dần thay đổi thói quen và lựa chọn những phương tiện giao thông mới mẻ, phù hợp hơn với nhu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn vẻ đẹp của thành phố.

Bước chuyển mình mạnh mẽ trong giao thông công cộng

Giao thông công cộng là một trong những mảng nổi bật mà Hà Nội đang nỗ lực cải thiện. Với những quyết định mạnh mẽ từ chính quyền thành phố, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển hệ thống phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch, từ xe buýt điện đến tàu điện metro, không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà còn góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đã thông báo một kế hoạch dài hơi đầy lạc quan: Từ năm 2025, Hà Nội sẽ thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm ở những khu vực đông đúc, đặc biệt là những "điểm nóng" ô nhiễm không khí, đồng thời phát triển các tuyến đường dành riêng cho xe buýt điện và các phương tiện phát thải thấp. Đây là những tín hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền thủ đô đang tập trung vào việc phát triển giao thông xanh như một giải pháp chiến lược để giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Khi người Hà Nội chuyển mình sang giao thông xanh: Đổi thói quen, tạm biệt… cây xăng!- Ảnh 1.

Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, mà còn mang lại những lợi ích lâu dài trong việc cải thiện sự di chuyển của cư dân thủ đô. Theo báo cáo từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến nay, khoảng 17% xe buýt trong thành phố đã sử dụng năng lượng sạch, với 10 tuyến xe buýt điện và 10 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng CNG (khí thiên nhiên). Và con số này sẽ không ngừng tăng lên, khi Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035, toàn bộ xe buýt sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội: Chuyển biến rõ rệt từ thói quen giao thông cá nhân

Một trong những bước đi đột phá của Hà Nội trong việc phát triển giao thông xanh là việc đưa vào hoạt động tuyến tàu điện metro Nhổn - Ga Hà Nội, một sự kiện không chỉ đánh dấu sự tiến bộ trong kết cấu hạ tầng đô thị mà còn làm thay đổi thói quen giao thông của hàng triệu người dân. 

Từ khi tuyến tàu này chính thức được đưa vào hoạt động vào tháng 8 vừa qua, rất nhiều cư dân Hà Nội, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đã nhanh chóng làm quen và chuyển sang phương tiện này thay vì tiếp tục sử dụng xe máy cá nhân.

Khi người Hà Nội chuyển mình sang giao thông xanh: Đổi thói quen, tạm biệt… cây xăng!- Ảnh 2.

Lâm Oanh, một sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Trước đây, tôi phải đi học bằng xe máy, và mỗi sáng phải chịu cảnh tắc đường, bụi bặm, tiếng ồn. Nhưng từ khi tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội mở cửa, tôi đã chuyển sang đi tàu điện. Tàu đi rất nhanh, êm và mát mẻ. Thay vì phải mất đến 40 phút cho hành trình, nay tôi chỉ mất khoảng 10 phút". Oanh không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi không phải đối diện với cảnh tắc nghẽn, ô nhiễm mỗi sáng.

Những chuyến tàu điện này không chỉ giúp người dân di chuyển nhanh chóng mà còn giảm thiểu sự tắc nghẽn giao thông, hạn chế lượng khí thải độc hại từ các phương tiện cá nhân, và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng không khí tại Hà Nội. Đó là một bước tiến lớn trong việc xây dựng một môi trường sống trong lành hơn cho cư dân thủ đô.

Chuyện của cặp vợ chồng sắm toàn “combo” xe điện

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, Hà Nội cũng đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong thói quen di chuyển của người dân, khi ngày càng có nhiều người lựa chọn sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy điện, ô tô điện thay vì xe xăng truyền thống.

Khi người Hà Nội chuyển mình sang giao thông xanh: Đổi thói quen, tạm biệt… cây xăng!- Ảnh 3.

Phương và chồng có 1 ô tô điện và 2 xe máy điện, thỉnh thoảng cả 2 chọn di chuyển bằng xe bus điện hoặc metro để bảo vệ môi trường

Chị Bích Phương, 34 tuổi, một cư dân sống tại Hà Nội, đã quyết định chuyển hẳn sang xe điện cho mọi nhu cầu di chuyển trong thành phố. 

Hiện giờ, nhà Phương đang sở hữu 1 chiếc xe ô tô điện và 2 chiếc xe máy điện.Chị chia sẻ: "Mấy năm qua, tôi không biết đến cây xăng là gì. Việc sử dụng xe điện khiến tôi cảm thấy không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Không còn phải xếp hàng ở cây xăng, không còn ngửi mùi xăng, không còn lo lắng về khí thải. Xe điện không khói bụi, không tiếng ồn, giúp tôi có một trải nghiệm lái xe nhẹ nhàng và trong lành".

Khi người Hà Nội chuyển mình sang giao thông xanh: Đổi thói quen, tạm biệt… cây xăng!- Ảnh 4.

Không chỉ đi lại bằng xe máy và ô tô điện, thỉnh thoảng Phương cũng đi lại bằng xe bus điện vì tuyến xe bus khá tiện đường Phương khi đi làm.

Câu chuyện của chị Phương không phải là cá biệt. Rất nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là những người sống trong khu vực nội thành, đang dần thay thế xe máy xăng, ô tô xăng bằng những phương tiện điện thân thiện với môi trường. Việc sử dụng xe điện không chỉ giúp người dân giảm chi phí nhiên liệu, tránh được cảnh ùn tắc tại các cây xăng, mà còn là một phần trong nỗ lực chung của xã hội hướng tới một tương lai bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù vẫn còn một số bất tiện như việc phải sạc xe điện thay vì đổ xăng, nhưng những người sử dụng xe điện như chị Phương cho biết, nếu biết cách sắp xếp thời gian và lựa chọn điểm sạc hợp lý, những bất tiện này hoàn toàn có thể khắc phục được. 

"Chúng tôi sống ở khu vực có nhiều trụ sạc, nên việc sạc xe cũng thuận tiện. Tôi thường tranh thủ sạc xe vào ban đêm, và mỗi lần sạc cũng chỉ mất khoảng 30-40 phút. Còn với xe máy điện, việc sạc tại nhà lại rất tiện lợi", chị Phương chia sẻ.

Những thay đổi trong giao thông không chỉ đơn thuần là về công nghệ hay phương tiện, mà quan trọng hơn, đó là sự thay đổi trong nhận thức và thói quen sống của mỗi người dân. Hà Nội đang dần chuyển mình thành một thành phố hiện đại, thông minh, và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích trước mắt như giảm tắc nghẽn giao thông, tiết kiệm thời gian mà còn có tác động lâu dài đến chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng một thành phố sống tốt cho các thế hệ sau.

Khi mỗi người dân Hà Nội, từ những sinh viên trẻ như Lâm Oanh đến những người trưởng thành như chị Bích Phương, dần thay đổi thói quen đi lại của mình, họ không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông xanh của thủ đô. 

Hà Nội sắp hạn chế ô tô, xe máy xăng tại 5 khu vực

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024

Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ năm 2025.

Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (trừ ô tô điện, xe máy điện) di chuyển vào vùng phát thải thấp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ các phương tiện ưu tiên.

Hà Nội cho rằng có nhiều nguồn gây ô nhiễm, trong đó giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Dự thảo đưa ra 5 tiêu chí để xác định vùng phát thải thấp, đây cũng là các vùng dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm:

Thứ nhất, là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.

Thứ hai, là khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.

Thứ ba, là khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.

Thứ tư, là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện (có giải pháp giám sát, xử lý vi phạm về phát thải, chuyển đổi phương tiện, tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo giao thông thông suốt).

Thứ năm, là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm