Ngày 4.7, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc triển khai cấp định danh điện tử mức độ 2 cho người nước ngoài theo Nghị định 69/2023/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn diễn ra thuận lợi. Trung bình mỗi ngày, đơn vị xử lý thành công khoảng 30 - 50 trường hợp, với tinh thần "làm việc không ngừng nghỉ, kể cả cuối tuần".

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa thực hiện các thủ tục cấp định danh điện tử mức độ 2 cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại địa phương
ẢNH: BÁ DUY
Theo ghi nhận, những ngày đầu tháng 7 triển khai tại trụ sở ở 47 Lý Tự Trọng (P.Nha Trang, Khánh Hòa), không khí làm việc diễn ra sôi nổi. Cán bộ phụ trách túc trực từ sớm cùng đội ngũ phiên dịch hỗ trợ người nước ngoài tận tình.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Granier Pierre Maria (78 tuổi, quốc tịch Pháp) cho biết: "Tôi lấy vợ Việt Nam và sống ở Nha Trang hơn 10 năm. Vợ tôi đọc được thông tin trên nhóm cộng đồng nên yêu cầu tôi đi làm định danh. Toàn bộ các bước như chụp ảnh khuôn mặt, lấy dấu vân tay, xác minh thuê bao di động chính chủ và email cá nhân chưa đầy 10 phút là hoàn tất, quy trình rất nhanh và dễ hiểu".
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng tạo thuận lợi
Thượng tá Tô Bích Ngọc, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết toàn tỉnh hiện có gần 1.100 người nước ngoài đủ điều kiện được cấp định danh điện tử mức độ 2. Trong số đó, khoảng hơn 70% là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Gần 30% còn lại là các cá nhân có thân nhân (kết hôn với người Việt Nam), có con gốc Việt.

Ông Granier Pierre Maria (78 tuổi, quốc tịch Pháp) cho biết, chưa đầy 10 phút ông đã hoàn tất thủ tục đăng ký định danh điện tử
ẢNH: BÁ DUY
Một trong những yếu tố then chốt giúp việc triển khai suôn sẻ là nhu cầu thực tế từ cả cá nhân và doanh nghiệp. “Họ cần tài khoản định danh để thực hiện giao dịch thuế, ngân hàng, bảo hiểm... nên chủ động hợp tác”, thượng tá Ngọc nói.
Bên cạnh đó, việc duy trì kết nối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài từ trước giúp ngành công an tiếp cận đúng đối tượng và phổ biến nhanh chóng thông tin cần thiết.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn bổ sung hồ sơ đối với những trường hợp chưa có SIM điện thoại chính chủ tại Việt Nam hoặc chưa đăng ký đúng quy định
ẢNH: BÁ DUY
“Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng. Các nhóm Zalo, Facebook do cơ quan quản lý thành lập từ lâu nay trở thành kênh hiệu quả để phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn quy trình thực hiện. Bộ phận nhân sự các công ty cũng tích cực phối hợp”, thượng tá Ngọc cho biết thêm.
Nhiều lợi ích thiết thực
Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 không chỉ giúp người nước ngoài khai báo tạm trú, đăng ký dịch vụ công, mà còn phục vụ các giao dịch dân sự một cách nhanh chóng, bảo mật qua ứng dụng VNeID.
Ông Takahashi Hiroyuki, giám đốc một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khánh Hòa, chia sẻ: “Việc cấp định danh điện tử giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người lao động, đặc biệt là các giao dịch tài chính và bảo hiểm. Tôi rất hài lòng khi thấy cán bộ ở đây tận tâm và xử lý nhanh gọn”.

Công tác tuyên truyền tốt giúp Khánh Hòa triển khai thuận lợi việc cấp định danh điện tử mức 2 cho người nước ngoài
ẢNH: BÁ DUY
Tuy nhiên, thực tế vẫn có những vướng mắc, như một số người nước ngoài chưa có SIM điện thoại chính chủ tại Việt Nam hoặc không đăng ký thuê bao đúng quy định. Các trường hợp này đều được hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện hồ sơ.
“Chúng tôi xác định người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Khánh Hòa là một phần của cộng đồng địa phương. Làm tốt cho họ cũng là góp phần xây dựng môi trường hành chính hiện đại, minh bạch và thân thiện”, thượng tá Tô Bích Ngọc nhấn mạnh.