Theo phó giáo sư Benjamin A. Jones tại Khoa Kinh tế của Đại học New Mexico, đồng tác giả của nghiên cứu vừa đăng trên Scientific Reports: "Việc khai thác Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ của nhân loại. Trong khi đó hầu hết nguồn điện có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch như than, khí đốt tự nhiên. Chúng gây ra hiệu ứng nhà kính nhiều hơn các nguồn năng lượng bền vững".
Kết luận này tương đồng với báo cáo cuối tháng trước của Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF). Theo đó, trong những năm qua, nguồn điện để khai thác Bitcoin đã có nhiều thay đổi lớn. Năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên như than đá dần được sử dụng để vận hành các dàn máy đào Bitcoin, thay vì năng lượng xanh như thủy điện hoặc năng lượng mặt trời, gió hay thủy triều. Tính đến tháng 1, nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt tự nhiên chiếm 2/3, hay 62% tổng điện năng khai thác Bitcoin. Từ 2020 đến 2021, tỷ lệ khí đốt trong vận hành các mỏ đào tăng từ 13% lên 23%. Năng lượng hạt nhân tăng từ 4% lên gần 9%.
"Chúng tôi thấy dấu chân của Bitcoin trong hành trình phá hoại khí hậu đậm hơn nhiều so với việc khai thác thịt bò và vàng", ông Jones nói. Nhóm nghiên cứu đặt ra ba câu hỏi lớn về tác động của Bitcoin đến môi trường gồm: Liệu thiệt hại về khí hậu của việc vận hành máy đào có tăng lên không? Giá trị thị trường của Bitcoin có lớn hơn thiệt hại khí hậu mà nó gây ra? So với những ngành khai thác khác, Bitcoin "bẩn" gấp bao nhiêu lần?
Sau khi nghiên cứu, nhóm của ông kết luận: Lượng phát thải năng lượng từ khai thác Bitcoin đã tăng từ 0,9 tấn khí thải carbon trên một BTC lên 113 tấn trong giai đoạn 2016-2021. Mỗi Bitcoin gây ra thiệt hại về khí hậu tương đương 11.314 USD, chiếm khoảng 35% giá thị trường của Bitcoin.
Trong khi đó, thiệt hại của ngành sản xuất thịt bò chiếm 33% giá trị thị trường, khai thác vàng chiếm 4%, khai thác khí đốt tự nhiên và xăng dầu thô lần lượt chiếm 46% và 41% giá trị thị trường của chúng.
Jones nói nhóm của ông xác định vị trí của thợ đào thông qua các hội nhóm. Từ địa chỉ IP, họ có thể ước tính lượng Bitcoin được tạo ra mỗi ngày tại từng khu vực. Kết hợp thông tin về năng lượng, điện tại đó, họ có thể tính ra lượng khí thải từ hoạt động khai thác. Bitcoin chỉ là một trong nhiều loại tiền điện tử, nhưng theo Jones, nó là thứ tồi tệ nhất đối với môi trường.
"Bitcoin tiếp tục dùng cơ chế xác thực bằng chứng công việc. Điều này đồng nghĩa thợ đào phải chạy các cỗ máy tính toán để giành lấy phần thưởng. Phần lớn nguồn cung đến từ nhiên liệu hóa thạch. Nghiên cứu từ 2016 đến 2021 cho thấy tác động tiêu cực của việc khai thác Bitcoin đến môi trường không có dấu hiệu giảm đi".
Theo Jones vẫn có cách để tiền điện tử tiếp tục đóng góp cho tiến trình phát triển của xã hội mà không tác động tiêu cực đến môi trường. Thay vì dùng cơ chế PoW (bằng chứng công việc), các mạng blockchain có thể chuyển sang cơ chế PoS (bằng chứng cổ phần). "Vẫn có cách giảm việc tiêu thụ năng lượng như Ethereum vừa làm. Bitcoin có thể học theo và tác động của tiền mã hóa này đến khí hậu sẽ mờ đi theo thời gian", Jones nói.
Bitcoin và một số tiền mã hóa khác đang sử dụng cơ chế PoW để duy trì hoạt động mạng blockchain. PoW yêu cầu thợ đào phải chạy những dàn card đồ họa hoặc máy đào chuyên dụng liên tục để giải các câu đố. Sau khi giải, họ được quyền tham gia xác thực các giao dịch trong mạng và nhận về phần thưởng. Các máy đào càng mạnh, khả năng giải càng nhanh và xác xuất nhận được phần thường càng cao. Cơ chế của Bitcoin có thể khiến độ khó của các câu đố thay đổi. Khi nhiều thợ đào tham gia vào mạng lưới và nguồn cung Bitcoin còn lại càng ít, độ khó của câu hỏi sẽ tăng. Đó là lý do thợ đào phải liên tục nâng cấp máy đào, khiến việc khai thác Bitcoin ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
(theo NewsWeek)