Lợi thế của Việt Nam và vai trò của các nhà đầu tư
Phát biểu khai mạc, ông Will Ross - Giám đốc Marketing và Phân phối của Dragon Capital, đã chia sẻ câu chuyện về tương lai và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ông ví von hình ảnh Thánh Gióng và Rồng tượng trưng cho khát vọng vươn xa, nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết của đất nước.

Ông Will Ross - Giám đốc Marketing và Phân phối của Dragon Capital. Ảnh: DC.
Ông Will tiếp tục so sánh thú vị giữa Indonesia và Việt Nam, nhấn mạnh lợi thế vượt trội của Việt Nam về hạ tầng, giao thông và logistics. Với địa hình trải dài cùng hệ thống đường bộ, đường sắt liên kết chặt chẽ, Việt Nam sở hữu khả năng kết nối con người, hàng hóa và kinh tế vượt trội.
Đặc biệt, ông còn khơi gợi giá trị của cộng đồng và gia đình qua hình ảnh Thánh Gióng lớn lên từ hạt gạo, tình yêu quê hương, đất nước. Đây là minh chứng cho sức mạnh gắn kết bền chặt giữa các thế hệ trong văn hóa Việt – điều mà ông Will cảm nhận sâu sắc.
Cuối cùng, ông khẳng định Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi khu vực tư nhân đồng hành xây dựng tương lai vững mạnh. Mỗi quyết định đầu tư được ví như "hạt gạo" nuôi dưỡng sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đâu là động lực thực sự của tăng trưởng kinh tế?
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, động lực tăng trưởng bền vững của Việt Nam luôn xuất phát từ nội lực, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Các yếu tố bên ngoài như xuất khẩu, FDI hay cán cân tài khoản vãng lai chỉ đóng vai trò cân bằng vĩ mô, không phải là động lực tăng trưởng chính.

Ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, khu vực FDI hiện chỉ sử dụng khoảng 4,5 triệu lao động, chiếm chưa tới 8% tổng lực lượng lao động cả nước (55 - 58 triệu người). Ngay cả ngành dệt may trong FDI cũng đã chiếm 2,8 triệu người. Với quy mô này, FDI rõ ràng không thể là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Do đó, trọng tâm trong 5-10 năm tới là phát triển sức mạnh nội tại, thúc đẩy tăng trưởng từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng nội địa.

Tinh gọn bộ máy, đồng thuận và nhất quán
Theo các chuyên gia Dragon Capital, Việt Nam đang chứng kiến cuộc cải tổ với bộ máy tinh gọn từ 18 xuống 14 bộ, địa phương từ 63 còn 34 tỉnh. Tốc độ ban hành chính sách tăng vọt, với số lượng luật và nghị định trong một năm qua gấp 2-3 lần tổng ba năm trước đó. Thêm vào đó, cơ chế đặc biệt cho phép Chính phủ gỡ vướng pháp lý sẽ thúc đẩy 2.200 dự án trị giá 235 tỷ USD (tương đương 50% GDP), tạo đòn bẩy tăng trưởng đáng kể.

Minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình là tốc độ phát triển hạ tầng. Tuyến metro Cần Giờ - TP.HCM dài gấp đôi tuyến metro hiện tại nhưng dự kiến hoàn thành chỉ trong 3 năm (so với 12 năm của tuyến đầu tiên), nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân. Ông Lê Anh Tuấn của Dragon Capital tin rằng tốc độ dịch chuyển hạ tầng trong 5 năm tới sẽ vượt xa kỳ vọng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu về hạ tầng, công nghệ và phát triển khu vực tư nhân, thị trường vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đây đang trở thành ưu tiên chiến lược của Chính phủ, hướng tới hình thành trung tâm tài chính khu vực. Từ đó, giúp dòng tiền luân chuyển hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp các dự án hạ tầng, đổi mới công nghệ và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tăng tốc đầu tư, mở rộng quy mô. Từ nền tảng chính trị tinh gọn và đồng thuận này, Việt Nam đang định hình một bức tranh tương lai thịnh vượng, vượt ra sau năm 2030.
Hiệu ứng về kinh tế mà tuyến đường sắt cao tốc mang lại
Theo quy hoạch đến năm 2030-2040, Việt Nam sẽ sở hữu một mạng lưới hạ tầng toàn diện với hệ thống metro đô thị hiện đại, sân bay quốc tế với công suất 175 triệu khách/năm, các cảng biển nước sâu và 5.000 km đường cao tốc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á về quy mô hạ tầng loại này.
Đặc biệt, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ là một công trình hạ tầng, mà là biểu tượng của quốc gia hiện đại. Với chiều dài dự kiến 1.541 km, kết nối Hà Nội và TP.HCM, và tốc độ thiết kế tương đương tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, đây sẽ là một trong số ít hệ thống đường sắt cao tốc quy mô khu vực.
Với ước tính đầu tư 67 tỷ USD và thời gian di chuyển chỉ 5 tiếng giữa hai thành phố, tuyến đường này có nhu cầu thị trường rất lớn. Dữ liệu từ năm 2008 cho thấy, đường bay Bắc Kinh - Thượng Hải có 9 triệu hành khách/năm, trong khi tuyến Hà Nội - TP.HCM hiện đạt 11 triệu lượt/năm – minh chứng cho tiềm năng bứt phá về hạ tầng, logistics và đô thị vệ tinh.

Dragon Capital chỉ ra rằng, kinh nghiệm từ tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải (hoàn thành năm 2011) cho thấy, chỉ sau 6-7 năm vận hành, tuyến này đã đóng góp gần 900 tỷ USD cho GDP Trung Quốc, thúc đẩy tăng trưởng du lịch 22% và tăng giá trị bất động sản. Với chỉ số hoàn vốn nội sinh vượt trội, đây là một trong những dự án hiệu quả nhất của Trung Quốc.
Nếu Việt Nam hiện thực hóa được tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nền kinh tế sẽ được tái cấu trúc chưa từng có. Trong giai đoạn xây dựng (5-6 năm tới), ước tính đóng góp thêm 1% tăng trưởng GDP mỗi năm, tạo ra hơn 200.000 việc làm/năm và tăng khoảng 33 tỷ USD cho ngành xây dựng nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, cấu trúc đô thị sẽ thay đổi hoàn toàn, miền Nam sẽ hình thành các cụm du lịch mới (TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết), đưa du lịch ven biển thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Miền Bắc sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và cụm kinh tế vệ tinh quanh các ga lớn.
Đáng nói hơn, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, hệ thống đường cao tốc hoàn chỉnh sẽ giúp giảm mạnh và ổn định chi phí logistics. Theo đó, khi kết nối tuyến cao tốc sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí logistics cho Việt Nam - gánh nặng lớn khi chiếm 18% GDP (cao hơn Indonesia).
Dragon Capital tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại xu hướng tích cực này nếu thực hiện thành công tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong thập kỷ tới, mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng đột phá.
Nhóm ngành chiến lược tạo ra đột phá lớn cho tăng trưởng
Mục tiêu của Chính phủ hiện nay là hình thành các cụm liên kết ngành, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế để xây dựng quy mô và tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Những ngành mà Chính phủ đang đặt nền móng tạo sự tăng trưởng bứt phá trong những năm tới. Qua đó, những doanh nghiệp đầu ngành có thể dẫn dắt cho những doanh nghiệp nhỏ cùng nhau phát triển.
Theo phân tích của Dragon Capital, hiện nay Chính phủ đang đặt nền móng chiến lược cho 5 lĩnh vực có khả năng tạo ra đột phá lớn: Công nghiệp điện tử; Công nghiệp chế tạo; Công nghiệp quốc phòng; Công nghiệp năng lượng; Công nghệ sinh học.

Mục tiêu lớn lao là có ít nhất 20 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý, khối tư nhân lần đầu tiên được giao phó thực hiện các sứ mệnh quốc gia, với những cái tên như Hòa Phát, Vingroup, Techcombank, FPT… đang tích cực vào cuộc.
Kỳ vọng gì vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện tại?
Theo đại diện Dragon Capital, để Việt Nam đạt tăng trưởng cao và bền vững, cân bằng các kênh huy động vốn và giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng là điều kiện tiên quyết. Hiện, quy mô thị trường chứng khoán chỉ hơn 50% GDP, mục tiêu là 120% GDP vào năm 2030. Tương tự, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tăng từ 10-11% GDP lên 25% vào 2030.
Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam phải nâng vị thế trên bản đồ đầu tư toàn cầu thông qua 2 mục tiêu trọng yếu của Chính phủ: Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi và nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư. Khi đạt được, thị trường vốn sẽ đóng vai trò then chốt dẫn dắt khối doanh nghiệp tư nhân theo tinh thần của Nghị quyết 68.

Dragon Capital tin tưởng khả năng Việt Nam sẽ được nâng hạng thị trường ngay trong tháng 9 năm nay. Chiến lược tập trung vào 3 trụ cột: Hoàn thiện thể chế pháp lý, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và tăng cường đối thoại với các tổ chức xếp hạng cùng nhà đầu tư quốc tế.
Dù dòng vốn ngoại rút ròng gần 10 tỷ USD trong 5 năm qua (từ tháng 7/2020), nhưng bối cảnh hiện tại đang đảo chiều. Các tổ chức lớn như JP Morgan, Commerzbank đã nâng đánh giá Việt Nam là thị trường có tăng trưởng nhanh, định giá hấp dẫn và ổn định chính sách. Nếu việc nâng hạng thị trường diễn ra cùng làn sóng IPO mạnh mẽ dự kiến từ 2026-2027, thị trường chứng khoán sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, song hành với kỷ nguyên phát triển của nền kinh tế.
Nếu kinh tế tăng trưởng hai con số, thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
Ông Lê Anh Tuấn của Dragon Capital nhận định, nếu Việt Nam đạt tăng trưởng hai con số trong 5-7 năm tới, chúng ta có thể tham khảo mô hình từ các nền kinh tế đã từng trải qua giai đoạn tương tự như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan. Khi đó, tỷ lệ đầu tư trên GDP của các quốc gia này thường đạt 35 - 40% (so với 30% hiện tại của Việt Nam), lợi nhuận doanh nghiệp tăng bình quân 25 - 30%/năm kéo dài trên 5 năm, và chỉ số chứng khoán tăng từ 2 đến 5 lần.
Nếu kịch bản tương tự diễn ra, định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được đẩy lên một tầm cao mới. Với dự báo P/E khoảng 11,6x cho năm 2025 và tăng trưởng EPS 12-13%, nền kinh tế bứt phá sẽ đẩy lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh hơn nhiều, kéo theo sự thay đổi hoàn toàn trong định giá.
Tài chính, bất động sản và sản xuất được xác định là 3 nhóm ngành trọng tâm sẽ tạo ra đột phá về lợi nhuận.
