Chiều 26-7, lực lượng chức năng và thầy cô giáo chưa thể dọn bùn, đất tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 (xã biên giới Mỹ Lý, Nghệ An)- bởi bùn sau lũ quá nhiều.
Thầy Trần Sỹ Hà – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 cố gắng lội qua lớp bùn sau lũ để đến trường.
Nước lũ rút, thầy Trần Sỹ Hà- Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 chạy xe máy từ nhà ở xã Hữu Kiệm vào trường.
Quãng đường từ nhà đến trường 75km, nhưng chạy được một đoạn thì gặp đường núi lở. Thầy Hà bỏ xe máy đi bộ, gặp dân bản thầy “nhờ chở bằng xe máy được đoạn nào hay đoạn đó” rồi đường lại ách tắc. Thầy Hà leo núi, đi bộ cắt khe suối, đêm xin ngủ nhờ nhà người dân. Mất gần hai ngày thầy Hà mới tới được trường.
Tại phòng Hiệu trưởng, bùn đất đã chất đống, cánh cửa đã bị bão số 3 cuốn bay.
Nhìn cảnh mưa lũ tàn phá ngôi trường, trường tan hoang, bùn vùi lấp, nhà của nhiều phụ huynh đã lũ cuốn trôi, thầy Hà òa khóc. Lội qua lớp bùn sình lầy, nặng mùi, thầy Hà đến phòng hiệu trưởng. Căn phòng làm việc đã bị bão số 3 đã giật bay mất cánh cửa, bùn đất đang chất đầy phòng. Đồ dùng, tài liệu, sách vở trong phòng giờ đã hỏng.
Em Lữ Khải Đồng (học sinh lớp 5) đào bùn đất, tìm quần áo cho bà.
Thầy Hà rưng rưng nói: “Trải qua nhiều đợt lũ lụt, nước dâng, dãy phòng học 2 tầng của trường chúng tôi chưa khi nào nước ngập lên đến tầng 2. Nghỉ hè, trước bão số 3, nhà trường đã di chuyển tài sản, máy móc, đồ dùng học tập, hồ sơ, sổ sách... lên tầng 2. Không ngờ mưa lũ tàn phá ngôi trường, nước ngập lên cao hơn 1m ở tầng 2 nên ở sàn tầng 2 cũng chứa bùn dày. Toàn bộ 12 chiếc tivi, 5 tủ lạnh, 22 bộ máy tính phục vụ dạy học, bàn ghế của 7 lớp học đã bị hư hỏng.
1,7 tấn gạo dự trữ cho học sinh bán trú, sách vở, đồ dùng cá nhân của các em và cả chăn màn, giường tủ... của giáo viên nội trú đều bị cuốn trôi. Nhiều giáo viên và học sinh đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi nhà cửa, tài sản của gia đình đã bị lũ cuốn trôi, hư hỏng. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng”.
Mưa lũ tàn phá ngôi trường, bùn đất tràn về ngập ứ.
Ở một góc bản Xiềng Tắm – nơi từng là mái ấm của em Lữ Khải Đồng (học sinh lớp 5), giờ chỉ còn vết tích của nền nhà. Cơn lũ đã cuốn phăng tất cả. Em cùng gia đình chạy lên núi cao thoát thân, và trở về chỉ còn lại bộ quần áo ướt đẫm trên người. Em thương bà ngoại đã già yếu cũng chỉ còn mỗi bộ đồ mặc trên người. Trong hoang tàn, em miệt mài đào bới nơi đống đổ nát, tìm lại chiếc tủ cũ với hy vọng còn sót lại vài bộ quần áo cho bà.
“Bà lạnh lắm… Em muốn tìm lại cái áo ấm cho bà…”- em Đồng vừa bới bùn đất vừa nói.
Ngôi trường nằm chênh vênh bên dòng sông Nậm Nơn.
Cũng chỉ còn một bộ đồ mặc trên người sau lũ là cô giáo Vi Thị Vân. Căn nhà bố mẹ của cô cùng bao kỷ niệm một đời giáo viên vùng cao, đã bị lũ cuốn trôi. Cô đứng lặng, nước mắt rơi không ngừng khi nhìn về phía triền đất trống, nơi từng là tổ ấm của bố, mẹ và nhiều gia đình.
Sạt lở sông Nậm Nơn sát vào trường học.
Thảm cảnh không dừng lại ở mái trường. Ông Lương Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, nghẹn ngào cho biết: “Lũ không lấy đi sinh mạng, nhưng đã quét sạch 165 ngôi nhà, khiến 189 ngôi khác bị hư hỏng nặng. Trạm Y tế xã đã bị lũ cuốn trôi. Người dân giờ đây cần nhất là nước sạch, gạo, thức ăn, quần áo và sách vở cho các em đến trường. Nhưng hơn tất cả, chúng tôi cần một nguồn ngân sách đủ lớn để hồi sinh lại cuộc sống nơi đây.”
Bộ đội Biên phòng đang giúp đào bới đất tìm xe máy, tài sản cho người dân và giáo viên.