Tài chính

Hệ sinh thái "khủng" của Shark Thủy - người đang vướng lùm xùm nợ nần

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hàng loạt nhà đầu tư "tố" Shark Thủy "quỵt" cả gốc lẫn lãi

Thời gian gần đây, hàng loạt các nhà đầu tư liên tục “tố” ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn được gọi là Shark Thủy sau khi gắn với chương trình Shark Tank) không thanh toán cả gốc lẫn lãi cho khoản đầu tư nhiều tỷ đồng của họ vào Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup) và hệ sinh thái của ông này.

Hệ sinh thái "khủng" của Shark Thủy - người đang vướng lùm xùm nợ nần - 1

Hàng loạt nhà đầu tư căng băng rôn đòi tiền đã đầu tư vào hệ sinh thái của Shark Thủy

Sau nhiều lần tìm đến trụ sở tìm gặp ông Thủy với mong muốn rút lại số vốn đã đầu tư vào tập đoàn nhưng đều không thành, bà Nguyễn Thị Trà Ly thay mặt cho 19 nhà đầu tư cho biết, các thành viên phải tụ tập căng băng rôn vì sự ức chế đã lên đến cao độ. Các nhà đầu tư cũng không khỏi hoang mang trước lời đồn thổi là công ty tuyên bố phá sản để cho nhà đầu tư mất trắng tiền.

Bà Phùng Thị Hưởng, một nhà đầu tư khác cho biết, nghe quảng cáo có thể nhận được lãi suất khoảng 15%/năm, bà đã thế chấp nhà cửa cho ngân hàng GP Bank để vay vốn với lãi suất dưới 10%/năm, sau đó hùn vốn cho Shark Thủy với tính toán có thể "ăn" chênh lệch khoảng 5%/năm. Tổng số tiền bà Hưởng và người nhà hùn cho Shark Thủy lên đến gần 5 tỷ, nhưng cả năm không nhận được một đồng lãi, thậm chí gốc cũng không thể lấy lại được.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giao thông, Tập đoàn Phát triển Hạ tầng Giáo dục Việt Nam (đơn vị thành viên của Apax Holdings, hệ sinh thái liên quan Shark Thủy) còn thông báo phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ với lãi suất cố định 12%/năm cho 6 kỳ tính lãi đầu tiên và lãi suất cố định 12,9%/năm cho các kỳ tính lãi tiếp theo. Cập nhật đến tháng 7/2022, tổng khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp này đã phát hành từ đầu năm gần 2.000 tỷ đồng.

Công ty làm ăn hiệu quả nhất nợ cao gấp đôi vốn

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Ngọc Thủy là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Theo đó, hệ sinh thái của Shark Thủy được quảng cáo có hàng trăm trung tâm Tiếng Anh Apax English – Apax Leaders, hàng chục trường mầm non STEAMe GARTEN, 11 Viện trị liệu thẩm mỹ Yakson Beauty; 50 cửa hàng Soya Garden trên toàn quốc và 12 trung tâm CMS (chương trình giáo dục sớm cho trẻ thời 4.0) và 1 trung tâm trải nghiệm STEM chuẩn quốc tế.

Hệ sinh thái "khủng" của Shark Thủy - người đang vướng lùm xùm nợ nần - 2

Hệ sinh thái của Tập đoàn Egroup

Trong đó, một trong những công ty được coi là hoạt động hiệu quả nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (đã niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE, mã IBC) kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, đang sở hữu các chuỗi "thương hiệu" trung tâm dạy tiếng Anh như Apax Holdings, Apax Leaders. Hiện nay, IBC đang có 3 công ty con là Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English), Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarden và Công ty cổ phần Trường liên cấp Firbank Australia, cùng 3 công ty liên kết là Công ty cổ phần Tập đoàn hạ tầng giáo dục, Công ty cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo CMS, Công ty cổ phần Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.

Tuy nhiên, Apax Holdings vừa bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế thuế hơn 5,625 tỷ đồng; trong đó, thuế thu nhập cá nhân là hơn 1,6 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 3,4 tỷ đồng; tiền chậm nộp các loại thuế là gần 559 triệu đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, IBC ghi nhận doanh thu thuần gần 374 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế giảm chỉ còn 2,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 776 triệu đồng trong khi quý 3/2021 lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng. Trong quý này, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 6,4 tỷ đồng. Apax Holding có vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỷ đồng nhưng nợ phải trả hơn 3.122 tỷ đồng.

Hệ sinh thái "khủng" của Shark Thủy - người đang vướng lùm xùm nợ nần - 3

Apax Holdings của Shark Thủy bị cưỡng chế thuế hơn 5,6 tỷ đồng

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Apax Holdings đạt gần 1.043 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 12% đạt 38,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 23,7 tỷ đồng. Tới cuối quý III/2022, Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả là 3.190 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, sau loạt lùm xùm liên quan, mã IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC) tiếp tục giảm sàn trong phiên 30/11, đánh dấu 6 phiên sàn liên tiếp và đưa giá trị hiện còn 10.150 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Báo Giao thông đã có bài viết “Apax Leaders nhận lỗi, dừng hoạt động để tái cấu trúc sau lùm xùm bị tố” về việc công ty này dừng hoạt động để tái cấu trúc do hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị giáo viên tố nợ lương và phụ huynh đòi tiền.

Chia sẻ
Theo Anh Hoàng (Báo Giao Thông)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm