2 tháng có thể điều chỉnh giá điện một lần
Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về một số nội dung liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, thay vì 3 tháng như hiện nay. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Còn khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng (giữ nguyên như quy định hiện hành).
Theo thống kê tình hình biến động của chỉ số giá than trên thế giới trong giai đoạn 2022-2024, Bộ Công Thương thấy rằng giá than thế giới có thể biến động rất mạnh chỉ trong thời gian 1 tháng (có thể lên tới trên 40%). Do đó việc quy định mức thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng như hiện nay có thể dẫn tới không phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào.
Ngoài yếu tố giá than thế giới, các yếu tố khác như giá khí hóa lỏng (LNG) trong thời gian tới, tỷ giá, cơ cấu sản lượng dự kiến cũng là các yếu tố có thể có biến động rất mạnh trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.
EVN sẽ lãi nếu thực hiện triệt để cơ chế điều chỉnh giá điện
Một điểm đáng chú ý của dự thảo này là đưa ra tỷ suất lợi nhuận dự kiến hàng năm cho EVN ở mức rất cao.
Theo dự thảo: "Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm N bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 04 ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank hoặc đơn vị kế thừa hợp pháp của các đơn vị này) được xác định tại ngày 30 tháng 9 năm N-1 cộng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm N được Quốc hội thông qua (%).”
"Với ROE hiệu chỉnh nêu trên, ROE theo số liệu hiện hành từ 4 ngân hàng thương mại trong tháng 12 năm 2024 thì ROE trước thuế khoảng 9,2%, tương ứng ROE sau thuế khoảng 7,6%", Bộ Công Thương ước tính.
Đây là mức lợi nhuận gần như EVN chưa bao giờ đạt được trong quá khứ. Tập đoàn này thông thường chỉ lãi khoảng 2-3% trên vốn chủ sở hữu.
Còn với mức ROE dự kiến này, theo Bộ Công Thương, là phù hợp trong giai đoạn tới để EVN cải thiện được tình hình tài chính, bảo toàn được vốn và phát triển doanh nghiệp cũng như đảm bảo cơ sở huy động vốn để nâng cao tính chủ động trong việc tiếp tục đầu tư phát triển nguồn điện.
Bộ này cũng lưu ý: Mức ROE nêu trên của EVN nếu được thực hiện cũng thấp hơn so với ROE của các nhà máy điện đã đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện với EVN, bình quân trong khoảng từ 10% đến 12%.
Năm 2023, vốn chủ sở hữu của EVN là hơn 196.000 tỷ đồng. Nếu cơ chế điều chỉnh giá như trên được thực hiện triệt để, mỗi năm EVN có thể lãi trước thuế khoảng 18.000 tỷ đồng, còn lãi sau thuế là khoảng 14.900 tỷ đồng.
Năm 2024, kết quả kinh doanh của EVN hoà vốn nhưng vẫn còn gần 50.000 tỷ thua lỗ từ 2 năm 2022, 2023. Việc thoát lỗ và có lãi đang được EVN đặt ra. Song trên thực tế, các cơ chế điều chỉnh giá trước đây đều không được thực hiện đầy đủ như quy định - một phần lý do khiến kết quả kinh doanh của EVN thua lỗ nặng.
Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng cho phép điều chỉnh giá điện mỗi 6 tháng nhưng vì nhiều lý do, có thời điểm giá điện được giữ nguyên suốt 4 năm. Sau này, Quyết định 05/2024 quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng cũng tương tự. Bởi lẽ việc điều chỉnh giá điện còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa.
Do đó, tỷ suất lợi nhuận như tính toán của Bộ Công Thương có thể sẽ rất khác so với thực tế.