Thông tin này được Cục Hàng không Việt Nam cho biết tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 mới đây. Năm 2023, Cục Hàng không đánh giá đã có sự phục hồi và những tín hiệu tăng trưởng tích cực như thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so với mức trước dịch năm 2019, thị trường quốc tế đang dần trở lại và có thể sớm đạt mức như năm 2019 trong năm sau.
Các hãng hàng không trong nước đã vận chuyển 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022, tương đương gần 94% mức trước dịch. Trong đó, lượng khách quốc tế 32 triệu (tăng 170% so với năm 2022, nhưng mới bằng 77% năm 2019).
Sang năm sau, trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, Cục dự kiến sản lượng vận chuyển của ngành ước đạt 80,3 triệu khách, tăng hơn 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ lại có sự thay đổi trái chiều so với những năm trước đây khi khách quốc tế có thể nhiều hơn nội địa.
Cục Hàng không dự tính sản lượng vận chuyển khách nội địa chỉ đạt 38,5 triệu, giảm 3,5 triệu khách so với lượng vận chuyển thực tế năm 2023. Còn khách quốc tế tăng lên 41,8 triệu, tăng trên 30% so với năm 2023.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua các hãng hàng không đã cắt giảm nhiều đường bay nội địa không hiệu quả. Một số hãng trong nước cũng phải thu hẹp quy mô đội tàu bay sau 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Cùng với đó, các loại chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là giá nhiên liệu hàng không cũng khiến các hãng phải neo giá máy bay nội địa ở mức cao. Điều này cũng làm cản trở nhu cầu đi lại, du lịch trong nước bằng đường hàng không của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đa phần đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Một số hãng cũng ưu tiên khai thác, mở mới mạng đường bay quốc tế hơn so với nội địa vì bay quốc được thu thêm phụ phí xăng dầu, giá vé cũng không bị không bị khống chế bởi khung giá trần như nội địa.
Năm 2024, các hãng bay trong nước vẫn có thể đối mặt với một số khó khăn về giá nhiên liệu, đội tàu bay. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo giá nhiên bay Jet A1 năm sau có thể vẫn ở mức trên 110 USD một thùng.
Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin từ tháng 1/2024 sẽ phải dừng hơn 10 tàu bay Airbus A321 để kiểm tra, sửa chữa động cơ của Pratt & Whitney. Do đứt gãy chuỗi cung ứng, việc sửa chữa này sẽ dự kiến mất tối thiểu 200 ngày, tăng gấp gần 3 lần thời gian so với trước đây.
Trên thế giới có khoảng trên 1.000 động cơ Pratt & Whitney cũng cần kiểm tra đợt này, nên nhu cầu thuê động cơ thay thế, tàu bay với toàn ngành hàng không sẽ tiếp tục lên cao. Vì vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng không dễ để thuê thêm tàu bay để phục vụ nhu cầu của hành khách trong năm tới.