Khoa học

Hàng chục triệu người mắc chứng sợ bay, làm gì để hết sợ?

Làm gì khi bị chứng sợ bay? - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng sợ bay - Ảnh: REUTERS

Là một trong những chứng ám ảnh phổ biến nhất, chứng sợ bay ảnh hưởng đến hơn 25 triệu người trưởng thành ở Mỹ, theo Cleveland Clinic. 

Con số này được cho là đang trên đà gia tăng, nhất là sau loạt sự cố hàng không vừa qua, từ vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng đến vụ máy bay chở khách va chạm trực thăng ở Mỹ cướp đi sinh mạng 67 người.

Dấu hiệu của chứng sợ bay

Chứng này thường xuất hiện nhiều nhất ở những người từ 17 - 34 tuổi, "giai đoạn có nhiều thay đổi quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như tốt nghiệp, kết hôn hoặc sinh con". Mọi người có thể sợ rằng việc bay sẽ đe dọa tính mạng họ vào thời điểm quan trọng như vậy.

Theo tiến sĩ Gail Saltz, lo lắng khi bay đơn giản chỉ là cảm giác lo âu về việc đi máy bay. Nhưng về mặt chẩn đoán, chứng sợ bay có định nghĩa cụ thể, và những người mắc chứng này có hàng loạt triệu chứng thể chất liên quan đến nỗi sợ hãi như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, đau ngực hoặc nôn mửa. Họ cũng có các triệu chứng cảm xúc như hoảng loạn và lo lắng.

Về mặt hành vi, họ có thể hủy chuyến bay vào phút chót do hoảng sợ hoặc chọn đi tàu trong một khoảng thời gian dài để tránh bay. Họ có thể từ chối đi du lịch hoặc công tác và liên tục tìm kiếm sự trấn an về độ an toàn của chuyến bay từ người khác.

Những triệu chứng này có thể xuất hiện từ một tuần trước chuyến bay hoặc bất cứ lúc nào khi họ đang ở trên máy bay.

Không có nguyên nhân cụ thể gây ra chứng sợ bay. Nhưng một người có nhiều khả năng mắc chứng sợ bay hơn nếu họ vốn đã có mức độ lo âu cao. Một yếu tố khác là chấn thương tâm lý, như từng trải qua thảm họa thiên nhiên hoặc một vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng - điều gì đó khiến họ cảm thấy tính mạng bị đe dọa. Trẻ em có cha mẹ sợ bay cũng có thể bị lây nỗi sợ này.

Đôi khi vấn đề khiến mọi người lo lắng không phải là việc bay, mà là cảm giác bị mắc kẹt trong một không gian kín trên không trung và không thể thoát ra ngoài. Đó có thể là nỗi sợ độ cao, sợ say tàu xe và nôn mửa, sợ bệnh truyền nhiễm hoặc sợ cất cánh, hạ cánh, bão dông hoặc nhiễu động không khí.

Mọi người thường nghĩ nỗi sợ lớn nhất là máy bay rơi, nhưng thực tế đó chỉ là một phần nhỏ trong số các nỗi sợ liên quan đến bay.

Cách trị chứng sợ bay

Để đối phó với chứng sợ bay, nhiều người đã tránh né hoặc hủy chuyến bay, nhưng đó không phải là cách. Hủy chuyến, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng cảm giác nhẹ nhõm đó củng cố suy nghĩ trong não họ rằng "Đây là điều tốt. Tôi đã tránh được nguy hiểm và cảm thấy tốt hơn lúc này". Tuy nhiên, thế giới của họ bị thu hẹp đi, và nỗi sợ của họ, do được củng cố, sẽ ngày càng lớn hơn.

Do đó, điều quan trọng nhất là không né tránh, thay vào đó hãy nghiêm túc điều trị. Cách điều trị là tiếp xúc và ngăn chặn phản ứng. Bạn phải tiếp xúc với tình huống gây sợ hãi theo một cách nào đó, và ngăn chặn phản ứng tiêu cực.

Quá trình này được thực hiện với sự hướng dẫn của một nhà trị liệu. Họ sẽ dạy bạn các kỹ thuật thư giãn và trị liệu để kiểm soát khi cơn lo lắng xuất hiện. Theo thời gian, bạn sẽ dần trở nên ít nhạy cảm hơn với những yếu tố kích hoạt nỗi lo.

Liệu pháp thực tế ảo dưới sự hướng dẫn của chuyên gia cũng có thể hữu ích. Khi thấy hoảng sợ, hãy thiền định, thư giãn cơ bắp và hít thở sâu trong 10 phút...

Bạn cũng có thể tìm hiểu cơ chế hoạt động của máy bay, đây gọi là phương pháp phòng vệ bằng cách lý trí hóa.

Ngoài ra, tránh sử dụng rượu, thuốc ngủ hoặc các loại thuốc khác để đối phó với chứng sợ bay, trừ khi được bác sĩ kê đơn. Sử dụng các chất này có thể nguy hiểm, gây phụ thuộc và không giúp bạn tiếp cận liệu pháp điều trị để hồi phục.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm