Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng chưa có dấu hiệu dừng lại, tăng thêm 0,2%/năm ở một số kỳ hạn ngắn. Ngày 23.7, lãi suất qua đêm lên 5,26%/năm, 1 tuần lên 5,24%/năm, 2 tuần lên 5,05%/năm, 1 tháng lên 5,02%/năm… Lãi suất giao dịch giữa các nhà băng tiếp tục tăng cao dù rằng Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền trên thị trường mở gần đây với khối lượng lớn. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng như VPBank, VCBNeo, GPBank tăng nhẹ 0,1%/năm so với trước nhưng cũng có nhà băng giảm nhẹ lãi 0,1%/năm trong tháng 7 như NCB, BacABank.

Lãi suất huy động tiền đồng có sự cạnh tranh ở kỳ hạn 6 tháng
ẢNH: NGỌC THẮNG
Lãi suất huy động tiền đồng giữa các kỳ hạn có sự chênh lệch ngày càng cao. Ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 4,15%/năm thuộc về VCBNeo, tiếp theo là Vikki Bank 3,85%/năm. Ở mức 3,8%/năm có khá nhiều ngân hàng như MBV, BacABank, BVBank, VietBank, OCB. Các nhà băng còn lại duy trì lãi suất từ 2,95 - 3,7%/năm. SCB lại có mức lãi huy động bằng với các ngân hàng thương mại nhà nước với 1,6%/năm.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động cao nhất 4,35%/năm thuộc về VCBNeo; MBV và BacABank 4,1%/năm; Vikki Bank 4,09%/năm; OCB, Banvietbank 4%/năm… Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước huy động từ 1,9 - 2,4%/năm.
Từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, do không bị hạn chế bởi lãi suất trần huy động nên các nhà băng đưa ra cao hơn những kỳ hạn trước đó khá xa, cao hơn kỳ hạn trước đó từ 0,8 - 1,1%/năm. Ở kỳ hạn này, mức lãi huy động cao nhất thuộc về MBV, VCBNeo với 5,3%/năm; mức lãi từ 5 - 5,25%/năm có một số ngân hàng như KienlongBank, PGBank, HDBank, ABBANK… Các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV huy động kỳ hạn này từ 2,9 - 3,5%/năm.
Lãi suất huy động trên 12 tháng của đa số ngân hàng thương mại cổ phần dao động từ 5 - 5,9%/năm. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Techcombank, MB, ACB huy động từ 4,4 - 5%/năm.