Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần giao dịch khá tích cực với diễn biến hồi phục là chủ đạo. Dù đà tăng có phần chững lại trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index vẫn chinh phục thành công mốc 1.275 điểm và tiến lên vùng kháng cự mạnh của năm 2024 là 1.280-1.300 điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 10,15 điểm lên 1.275,2 điểm.
Về giao dịch của khối ngoại, dòng vốn ngoại tiếp đà bán ròng mạnh trong toàn bộ 5 phiên, có phiên giá trị vượt mức nghìn tỷ. Luỹ kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Nhận định về giao dịch tuần mới, các chuyên gia đưa ra góc nhìn kém tích cực về xu hướng của VN-Index sau mùa kết quả kinh doanh quý 4/2024, thị trường bước vào vùng trống thông tin. Nhà đầu tư được khuyến nghị thực hiện chốt lời.
![Góc nhìn chuyên gia: VN-Index sẽ khó vượt kháng cự 1.280-1.300, thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có "câu chuyện mới"- Ảnh 1. Góc nhìn chuyên gia: VN-Index sẽ khó vượt kháng cự 1.280-1.300, thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có "câu chuyện mới"- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/vnindex2025-02-08175306-1739086806553-173908680720042786236.png)
Thị trường chưa thể tăng ngay
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT nhận định rằng thị trường được hỗ trợ từ những thông tin tích cực trong nước, bao gồm việc Chính phủ dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6-6,5% lên 8,0% và nới chỉ tiêu lạm phát (CPI) lên mức 4,5-5%.
Có thể thấy rằng Chính phủ đang rất quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng và điều này hàm ý rằng các chính sách tài khóa và đặc biệt là chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ trong năm 2025. Xu hướng này sẽ có tác động tích cực đến các kênh tài sản, trong đó có chứng khoán.
Đồng thời, số liệu vĩ mô tháng 1 được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/2 cho thấy khởi đầu khá tích cực của nền kinh tế trong năm 2025. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ dài ngày, hoạt động sản xuất công nghiệp (IIP) và vốn đầu tư công thực hiện vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ dù số ngày làm việc ít hơn.
Theo ông Hinh, "guồng quay" tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm nay chứ không “ chậm chạp do có tâm lý nghĩ lễ ” như các năm trước. Bối cảnh hiện tại đang giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư nội.
Bước sang tuần giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự 1.280-1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh mà VN-Index chưa thể vượt qua trong năm 2024.
Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, vị chuyên gia VNDirect cho rằng thị trường chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên.
Do đó, thị trường có thể đi ngang tích lũy và dòng tiền sẽ luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và xem xét cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên những nhóm đang có thông tin hỗ trợ mạnh như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, xuất khẩu dệt may, thủy sản.
Thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có câu chuyện mới
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu – Đầu tư CTCP FIDT, Chủ tịch CTCP 1IB , VN-Index có những tín hiệu khá tích cực tuần đầu tiên của năm mới Ất Tỵ với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng và sự phục hồi của nhóm midcap sau 1 đoạn giảm khá sâu.
Về bối cảnh thế giới, thị trường bắt đầu năm mới với nhiều biến động, cụ thể là nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu khi ông Trump chính thức nhận chức. Yếu tố này rất khó đong đếm.
Về bối cảnh trong nước, ông Huy đánh giá rằng các số liệu vĩ mô tháng 1/2025 vừa công bố cũng không quá ấn tượng và thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có câu chuyện mới .
Tóm lại, thị trường để vượt vùng kháng cự “cứng” 1.280 – 1.300 cần một sức bật rất lớn, bối cảnh trong và ngoài nước chưa có yếu tố mới đủ tích cực. " Do đó, xác suất vượt kháng cự 1.280-1.300 trong vài tuần tới sẽ không cao. Nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời dần các vị thế đã nắm giữ các vị thế trong song hồi phục từ trước Tết ", vị chuyên gia nêu rõ.
Trước đó, năm 2024 khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng, và giai đoạn đầu 2025 vẫn chưa có tín hiệu chậm lại, từ đầu năm 2025 đến nay (6/02) khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 7.574 tỷ đồng.
Nguyên nhân cho tình trạng này nhìn sâu xa vẫn là chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước và những bất ổn tiềm tàng cho những thị trường mới nổi, cận biên trước nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu.
Thị trường cần câu chuyện mới để thu hút vốn ngoại, ông Huy cho rằng việc vốn ngoại có quay lại hay không sẽ quyết định lớn đến xu hướng VN-Index.
![Góc nhìn chuyên gia: VN-Index sẽ khó vượt kháng cự 1.280-1.300, thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có "câu chuyện mới"- Ảnh 2. Góc nhìn chuyên gia: VN-Index sẽ khó vượt kháng cự 1.280-1.300, thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có "câu chuyện mới"- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/unnamed-1739086806553-1739086807154277753713.jpeg)
Tiền tiếp tục rút khỏi các thị trường Mới nổi, cận biên và quay lại Mỹ
Mùa KQKD cũng như những thông tin vĩ mô tháng 1/2025 đã được công bố, do đó sắp tới thị trường khá thiếu tin tích cực. Một số thông tin đáng chú ý có phần thiên về hướng tiêu cực.
Tỷ trọng vốn hoá của các mã cổ phiếu cùng ngành trong rổ chỉ số VN30 được giới hạn ở mức 40% và có hiệu lực từ tháng 3/2025. Hiện tại VN30 nhóm BANK đang chiếm khoảng 52% VN30, do đó rổ VN30 sẽ loại một số BANK, đồng nghĩa với việc các ETFs sẽ bán ra các cổ phiếu này trong trong thời gian tới.
Diễn biến của Vĩ mô toàn cầu, đặc biệt là hành động của chính quyền Trump và các dữ liệu vĩ mô Mỹ vào tháng 2; sẽ tác động trực tiếp đến hành động của FED. Với mức tỷ giá neo cao như hiện tại và áp lực đang có, các dữ liệu này sẽ tác động rất mạnh đến thị trường.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia FIDT cho rằng thời điểm hiện tại là vùng chốt lời. Nếu thị trường điều chỉnh và xuất hiện chiết khấu, các nhóm cổ phiếu sau đây có thể cân nhắc.
Về các cơ hội đầu tư ngắn hạn, nhóm Đầu tư công và Bất động sản khu công nghiệp được đánh giá cao. Quốc hội vừa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7% lên 8% và động lực chính cho năm nay sẽ là đầu tư công và số liệu vĩ mô tháng 1 cho thấy đầu tư công đã tăng khá tốt từ tháng 1. Ngoài ra, số liệu về vốn FDI đăng ký và giải ngân cũng khá tốt . Điều này có thể tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu của 2 nhóm ngành này trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, nhóm Ngân hàng cho dấu hiệu khả quan trong giai đoạn gần đây với KQKD quý 4/2024 tốt, định giá ở mức hấp dẫn và triển vọng cao khi Ngân hàng nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay.
Xét về dài hạn, ngành Ngân hàng trong những năm tới được dự báo tăng trưởng tín dụng đều đặn khoảng 15%/năm. Nhưng trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, tháng 3/2025, rổ VN30 giảm tỷ trọng Ngân hàng đồng nghĩa với việc các ETFs sẽ phải bán bớt cổ phiếu Ngân hàng trong đợt cơ cấu tới. Đây có thể là điểm ảnh hưởng đến nhóm Ngân hàng trong ngắn hạn.
Ngoài ra, nhóm Bất động sản được nhiều kỳ vọng nhưng chưa thấy nhiều điểm sáng. KQKD tốt của nhiều doanh nghiệp quý 4/2024 chủ yếu là hạch toán lợi nhuận các dự án giai đoạn 2021-2022, song lại chưa có sự khởi sắc trong việc triển khai và bán hàng các dự án mới.
Khả năng cao xuất hiện nhịp điều chỉnh
Chung quan điểm, Chứng khoán Pinetree trong một nhận định gần đây cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một khởi đầu tương đối thuận lợi trong tuần đầu tiên của năm Ất Tỵ bất chấp nhiều thông tin trái chiều từ thế giới.
Sự hấp thụ những thông tin tiêu cực trong một tuần không giao dịch chỉ diễn ra trong phiên mở cửa trở lại, sau đó VN-Index nhanh chóng lấy lại đà tăng, đồng thời mặt bằng chung thanh khoản của 7 phiên gần nhất đang có sự cải thiện rõ rệt so với thời điểm trước Tết nguyên đán khi quay trở lại lên trên ngưỡng 13.000 tỷ đồng là một yếu tố bản lề quan trọng để xây dựng xu hướng mới cho thị trường tuần sau.
Về kịch bản tuần 10/2 – 14/2, thị trường tạm thời sẽ không còn động lực từ câu chuyện kết quả kinh doanh quý 4/2024 – một yếu tố quan trọng thúc đẩy cho VN-Index khi các ngân hàng đều đã sáng tỏ về bức tranh lợi nhuận.
Bên cạnh đó, những biến số vĩ mô như tỷ giá lại tăng mạnh trở lại đầu năm trong bối cảnh có một số dòng outflow lớn từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc những biến số khách quan như động thái tiếp theo giữa Mỹ - Trung sẽ khiến cho chiến tranh thương mại căng thẳng đến đâu có thể sẽ là lí do kìm hãm cho xung lực tăng của thị trường chứng khoán.
Mặt khác về yếu tố kĩ thuật, VN-Index vừa kết thúc tuần ở vùng cản khá mạnh 1.280 – 1.290 điểm, trong khi đó xu hướng trung hạn vẫn đang đi ngang với biên độ rộng, vì vậy kịch bản có thể xảy ra trong tuần tới đó sẽ là là một nhịp điều chỉnh khi VN-Index tiến đến vùng 1.290.