Lực cầu có dấu hiệu chững lại trong những phiên gần đây khi VN-Index liên tục "hụt hơi" trước ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Việc chỉ số nhiều lần thất bại khi chinh phục mốc điểm này khiến nhà đầu tư lo ngại về cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Tại chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng do VTV cùng Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức mới đây, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS) đưa ra thống kê, VN-Index tăng khoảng 14% từ đầu năm nhưng số mã đánh bại VN-Index là 145 mã trên tổng số 391 mã trên HoSE. Đây là con số cho thấy thị trường lình xình nhưng số mã có mức tăng vượt trội hơn VN-Index lớn, tỷ trọng đến 40%.
Dù vậy, ông Dương cho rằng tính sôi động của thị trường rất quan trọng. Năm 2021, giai đoạn thị trường tăng mạnh nhất về mặt chỉ số, 3 ngành ngân hàng, chứng khoán, thép đồng loạt đi lên. Nhà đầu tư có tiền chỉ nắm giữ một trong ba ngành hoặc dàn trải ra 3 ngành sẽ có rất ít cơ hội. Trong khi đó, khoảng thời gian chỉ số dao động từ 1.100 – 1.300 kéo dài rất lâu, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư có thể kiếm tiền, chiến thắng được chỉ số.
"Tôi cho rằng tính sôi động của thị trường có lẽ sẽ khiến nhà đầu tư hạnh phúc hơn là việc bứt phá một mạch về mặt chỉ số. Thêm vào đó, việc đi lên quá nhanh chưa chắc đã là chỉ báo tốt. Tuy nhiên, thị trường vượt 1.300 như pháo hiệu để nhà đầu tư tham gia thị trường ở góc nhìn tích cực hơn", chuyên gia VPBankS chia sẻ.
Do đó, ông Dương cho rằng thị trường vẫn còn nhiều cơ hội và nhà đầu tư chưa kịp mua khi VN-Index vượt 1.300 vẫn còn nhiều cơ hội mua tốt. Điều quan trọng là nhà đầu tư nên cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và có hành động phù hợp. Bởi tại mỗi thời điểm chỉ cần hành động đúng là sẽ có thành quả tốt.
Về chiến lược lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này, vị chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư trong một "big trend".
Về mặt vốn hóa, ngành ngân hàng chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường. Về mặt giao dịch, ngành ngân hàng thường dẫn sóng, rất khó để có được biểu đồ phân tích kỹ thuật đẹp để đi vào big trend nếu ngành ngân hàng không tăng. Về thanh khoản, ngành ngân hàng chiếm từ 28 – 42% tổng khớp lệnh thị trường. Đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản lớn.
Thêm vào đó, kết quả kinh doanh, ngành ngân hàng chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Do đó, ngành ngân hàng được xem là hàn thử biểu quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, ông Đào Hồng Dương cũng gợi ý ba chủ đề đầu tư hấp dẫn cho những tháng cuối năm.
Thứ nhất, nhóm có lợi nhuận tạo đáy cuối 2023 và phục hồi nửa đầu năm 2024 thì cổ phiếu tăng giá vượt trội so với thị trường như bán lẻ, du lịch giải trí, hàng không, thép. Tuy nhiên đa số những nhóm này đã tăng mạnh nên cơ hội tiếp theo sẽ dựa trên đà phục hồi lợi nhuận nửa cuối năm.
Tiếp theo, nhóm cổ phiếu đi ngang và ổn định gồm nhóm thực phẩm, đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng. Đây là những nhóm không biến động nhiều so với VN-Index và vẫn có cơ hội trong giai đoạn tiếp theo.
Cuối cùng là nhóm tăng trưởng ổn định gồm ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin.
Tóm lại, dựa trên bức tranh chung về vĩ mô khả quan, dư địa chính sách tiền tệ, nền lãi suất rẻ và sức hút thị trường chứng khoán với nhà đầu tư nước ngoài cải thiện, chuyên gia cho rằng những rủi ro về ngắn hạn đang tạm thời hạn chế. Mặt khác, so sánh E/P của VN-Index hiện đang ở mức khoảng trên dưới 7%, so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng hấp dẫn để đầu tư.