Lạm phát đã hạ nhiệt tại Mỹ nhưng ở Châu Âu vẫn đang tăng lên mức kỷ lục, khiến các nước đang đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ. Chính vì vậy hiện giới đầu tư toàn cầu đang lo ngại có thể xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Vậy những lo ngại này có thể xảy ra hay không cũng như Việt Nam có bị ảnh hưởng như thế nào khi nền kinh tế nước nhà vẫn đang chậm một nhịp so với thế giới.
Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show), bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh về vấn đề này.
Thời điểm hiện tại nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận đợt sụt giảm thứ hai về GDP, tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ chưa suy thoái bởi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, cũng như việc thu nhập của người dân đang có xu hướng tăng lên.
Về phía châu Âu, họ đang phải vật lộn với giá khí đốt tăng cao và nhiều chuyên gia cho rằng Châu Âu sẽ bước vào đợt suy thoái từ quý IV năm 2022 và kéo dài sang năm 2023.
Một đối trọng khác về kinh tế là Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức khi họ đang phải đối mặt với thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất cũng như thị trường bất động sản, tác động rất nhiều đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Bà Hiền cho rằng nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ bước vào một đợt suy thoái từ năm 2023.
Nói về những tác động của kịch bản suy thoái kinh tế đến thị trường chứng khoán, ông Lê Quang Chung Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) nhận định khi chưa sáng tỏ với hai ý kiến về suy thoái hay không suy thoái kinh tế, cùng với đó, sự thay đổi về chính sách vận hành của Nhà nước cũng như nới room tín dụng không đáng kể sẽ dẫn đến sự e dè trong tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Còn về dài hạn, với nội tại của các doanh nghiệp, các giá trị cơ bản của doanh nghiệp được định giá thấp, dòng tiền sẽ vào thị trường tốt hơn.
"Thị trường chứng khoán phản ánh tất cả những biến động của nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam. Nếu như nhìn về quá khứ hầu như thị trường chứng khoán có sự phục hồi rất mạnh mẽ sau bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế nào. Điều giới đầu tư nói chung lo ngại nhất là việc thắt chặt tiền tệ, hơn là lo ngại về suy thoái
Do đó thời điểm hiện nay, thị trường chứng khoán thế giới và cả Việt Nam đang có sự suy giảm chủ yếu xuất phát từ việc Mỹ vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất. Khi chính sách này có sự đảo ngược, điều đó sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán", Giám đốc Khối Phân tích của Chứng khoán VNDirect nêu quan điểm.
Nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam, trước đây thị trường chờ đợi rất nhiều việc nới room tín dụng hoặc thay đổi kỹ thuật về mặt giao dịch, trong thời điểm hiện tại những thông tin đó đã xuất hiện rồi. Hiện nay thị trường đang chờ đợi dự thảo Nghị định 153 sẽ được đưa vào thực hiện. Bàn về mặt rủi ro, bà Hiền đánh giá những rủi ro các nhà đầu tư nhìn thấy hầu hết đã được phản ánh trên thị trường. Do đó, thị trường sẽ có sự đi ngang từ đây đến cuối năm.