"Tôi có thể nói rằng các công ty ở Việt Nam đang phát triển rất tốt, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài thường hỏi vì sao Việt Nam không có thêm các công ty kỳ lân", Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam Nguyễn Lan Anh phát biểu tại buổi tọa đàm "Xu hướng đầu tư toàn cầu và những cơ hội cho thị trường Đông Nam Á" , thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022).
Thuật ngữ “kỳ lân” xuất hiện từ năm 2013, chỉ những công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD. Việt Nam hiện có 4 kỳ lân là VNG, VNLIFE, MoMo và Sky Mavis, số lượng đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia. Các startup triển vọng được dự đoán có thể trở thành kỳ lân trong tương lai có thể kể đến Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Trusting Social…
Endeavor là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo mô hình kết hợp cả hệ sinh thái khởi nghiệp và quỹ đầu tư, tạo ra mạng lưới giúp các doanh nhân khởi nghiệp tiếp cận với hệ sinh thái nội địa và quốc tế. Sau 4 năm Endeavor hoạt động ở Việt Nam và hỗ trợ 30 công ty, bà Lan Anh đánh giá các doanh nghiệp Việt đang phát triển tốt, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài thường thắc mắc tại sao chưa có thêm công ty kỳ lân.
"Khi tìm kiếm câu trả lời, chúng ta phải nhìn tổng thể nền kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Đa số doanh nghiệp Việt hoạt động chưa được 30 năm. Hầu hết startup công nghệ cũng mới bắt đầu trong vòng 5 năm qua. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng", Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam lý giải.
Bà Lan Anh còn chỉ ra một yếu tố hạn chế khác là quy mô thị trường. Để khắc phục vấn đề này, nhiều công ty mà Endeavor đang hỗ trợ không chỉ giới hạn hoạt động ở Việt Nam, mà còn hướng đến thị trường toàn cầu. Những doanh nghiệp này hoạt động trong các ngành như game, blockchain… Tuy nhiên, việc mở rộng sang thị trường khác cũng phức tạp, bởi mỗi quốc gia một khác.
Về các doanh nghiệp được Endeavor hỗ trợ, bà Lan Anh nhận thấy chỉ trong vòng vài năm, các founder đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt như kiến thức, kinh nghiệm. “ Đó là lý do tại sao tôi nói rằng hãy cho họ thêm thời gian, bởi thị trường vẫn trong giai đoạn đầu, nhiều công ty chỉ đang trên chặng đầu tiên trong hành trình của họ ”, bà Lan Anh cho biết.
Việt Nam được coi là trụ cột thứ ba trong “Tam giác vàng khởi nghiệp” Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch hồi năm 2019. Đà tăng trưởng này được cho là sẽ tiếp tục vào năm 2023, với mức GDP dự đoán là 6,7% vào năm 2023.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy – Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Do Ventures cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng, chẳng hạn như sự sụt giảm này không nhiều so với các khu vực khác.
"Tôi cũng không nhìn nhận tiêu cực về vấn đề này. Tôi nghĩ các doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến chiến lược phát triển sản phẩm, hướng đến tương lai lâu dài hơn", bà Vy phát biểu.
Vietnam Venture Summit là hội nghị thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được NIC và Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures đồng tổ chức, nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”, trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn.