Tài chính

Giá vàng tăng sốc 7-8 triệu thì có thể giảm 10 triệu/lượng chỉ trong một phiên

Tóm tắt:
  • Giá vàng thế giới quay đầu, giảm hoặc tăng mạnh trong một phiên đều là bình thường.
  • Giá vàng trong nước tăng đột biến do tâm lý nhà đầu tư và lượng cầu tăng cao.
  • Tăng giá nhanh gây bất thường, nhưng phản ánh tâm lý xác lập mức giá mới.
  • Giá vàng phụ thuộc vào chính sách của ông Trump và biến động bất định của thị trường.
  • Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính hoặc định hướng thị trường.

Giá vàng tăng mạnh có bất thường?

Trong phiên giao dịch chiều 16/4, giá vàng miếng SJC tăng vọt tới 7,5 triệu đồng/lượng, thiết lập mức kỷ lục mới 115,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Cùng với đó, giá vàng nhẫn cũng vượt mốc 115 triệu đồng/lượng.

Bình luận về diễn biến giá vàng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết: "Đây là sự bất thường khi tốc độ tăng giá quá nhanh". 

“Từ trước đến nay, chưa bao giờ giá vàng tăng mạnh như vậy trong một ngày”, ông Huân chia sẻ với PV VietNamNet.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu xem xét diễn biến thị trường thì việc tăng giá này lại hợp lý, bởi tâm lý của nhà đầu tư đã xác lập mặt bằng giá mới, trong khi lượng cung không có, lượng cầu tăng đột biến, khiến giá tất yếu tăng mạnh.

Phân tích thêm, ông Huân cho biết phiên giao dịch tại thị trường châu Á thường diễn ra khá yên ắng. Tuy nhiên, trong ngày 16/4, giá vàng thế giới bất ngờ tăng mạnh ngay từ đầu phiên, tạo hiệu ứng tâm lý rõ rệt đối với thị trường trong nước.

“Chỉ mấy ngày trước, giá vàng thế giới tăng nhưng giá vàng trong nước lại giảm. Lý do là khi giá vàng tăng cao, nhiều người đổ xô đi bán để chốt lời. Khi đã bán chốt lời xong, giá vàng lại tiếp tục tăng, không điều chỉnh giảm như kỳ vọng của họ. Những người giữ vàng không bán ra nữa và kỳ vọng giá sẽ còn cao hơn", ông nhận định.

W-gia vang.jpg
Theo chuyên gia, giá vàng tăng 7-8 triệu đồng/lượng nhưng có thể giảm 10 triệu đồng/lượng một phiên là bình thường. Ảnh: Thạch Thảo

Như vậy, tâm lý đã xác lập một mặt bằng giá kỳ vọng mới, ở mức cao để bán ra với lợi nhuận tốt hơn. Do đó, áp lực chốt lời giảm đi trong ngày 16/4, dù giá tăng nhưng ít người bán. Trong khi đó, những người chờ giá vàng giảm để mua vào lại thấy giá không giảm mà chỉ tăng, nên họ cũng quyết định chốt mua.

Giá càng tăng, tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội - PV) trên thị trường càng mạnh, dẫn đến cầu tăng đột biến. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế khiến giá tăng mạnh, dù giá vàng thế giới không tăng nhiều đến mức đó”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân bình luận.

Nhắc lại dự đoán của mình rằng giá vàng sẽ tăng lên 110 triệu đồng/lượng khi giá trong nước còn ở mức 100 triệu đồng, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đưa ra chính sách áp thuế mới, ông Huân nhận xét rằng giá vàng đã tăng vượt dự báo và hiện khó có thể đoán được mức tăng tiếp theo là bao nhiêu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, giá vàng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ bất định trong chính sách của ông Trump; chính sách càng bất định thì giá vàng càng có xu hướng tăng. “Muốn biết giá vàng sẽ như thế nào, cứ nhìn vào tâm trạng của ông Trump,” ông Huân nhận định.

“Biến động giá vàng sẽ rất lớn; khi quay đầu giảm thì sẽ giảm mạnh. Tốc độ giảm sẽ nhanh hơn tốc độ tăng. Nếu giá vàng thế giới quay đầu, nhiều người đổ xô bán ra, giá sẽ lập tức giảm. Giá vàng có thể tăng 7-8 triệu đồng/lượng, nhưng cũng có thể giảm 10 triệu đồng/lượng trong một phiên - điều đó là hoàn toàn bình thường,” ông Huân dự báo.

Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đánh giá: Giá vàng thế giới tăng thì thị trường vàng trong nước cũng tăng, nhưng lần này tốc độ tăng trong nước nhanh hơn giá thế giới, khiến chênh lệch giá trong nước với thế giới rộng hơn so với những ngày trước đó.

Điều này cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư về xu hướng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Cùng với đó, nỗi lo về cuộc chiến thương mại vẫn còn, nhưng giới đầu tư còn lo ngại hơn về nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và nhiều nước khác phải liên tục hạ giá đồng tiền, từ đó thúc đẩy giá vàng tăng.

“Trong ngắn hạn, vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ cho vàng. Nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng, giá vàng trong nước sẽ bị tác động theo và có thể tiệm cận mức 120 triệu đồng/lượng”, ông Khánh dự báo.

Ngân hàng Nhà nước có nên can thiệp?

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, lượng cầu tăng cao nhưng nguồn cung khan hiếm khiến giá vàng tăng đột biến, rất có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải can thiệp.

“Theo tôi, sự can thiệp của NHNN sẽ không quá mạnh như trước đây, bởi hiện có quá nhiều vấn đề cần được ưu tiên hơn thị trường vàng. Trong đó, vấn đề thuế quan và tỷ giá đang rất căng thẳng. Rất khó để sử dụng ngoại tệ nhằm can thiệp vào thị trường vàng ở thời điểm này,” ông Huân nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng NHNN có thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính hoặc định hướng thị trường. Còn việc yêu cầu các ngân hàng thương mại bán vàng ra thị trường sẽ là điều rất khó thực hiện.

“Có thể xây dựng thị trường vàng tín chỉ do NHNN quản lý, hạn chế người dân sở hữu vàng nguyên liệu mới có thể xử lý dứt điểm vấn đề của thị trường vàng và hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Việc cho phép nhập khẩu vàng ở thời điểm này là không khả thi,” ông Huân nói.

Ở góc độ khác, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh lại cho rằng, kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, vì vậy nên để thị trường tự vận động; chỉ khi nào sự vận động vượt quá giới hạn và gây hại cho nền kinh tế thì mới cần can thiệp.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo hệ luỵ từ trục lợi bảo hiểm

Thông tin một người phụ nữ ở Quảng Nam bị điều tra vì liên quan đến cái chết của con trai và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ khiến nhiều người giật mình mà còn đặt ra cảnh báo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp hiện nay.

Giá tăng đỉnh nóc, vàng SJC một mình một chợ

Sáng nay (17/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh. Giá vàng SJC lên mốc cao nhất 116,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn 3,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 12 triệu đồng/lượng.

Viettel tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số 2025: Xây kinh tế số an toàn với AI và công nghệ bảo mật

"Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, có lẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, và Viettel là một trong những nhà khai thác lớn nhất. Tiếng nói của Việt Nam và Viettel xứng đáng được lớn hơn trong ngành công nghiệp và sự kiện này là bước đầu tiên trong quá trình đó”, ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số 2025.

Tin xem nhiều