Xã hội

Gặp lại những người giữ lửa cách mạng trên đất Kon Tum

Tóm tắt:
  • Ngày 26.4, tỉnh Kon Tum tổ chức gặp mặt, tri ân các người có công.
  • Hơn 100 cựu chiến binh, thanh niên xung phong dự lễ, tóc bạc, trang phục cũ.
  • Bà Võ Thị Ninh và ông Vũ Văn Xuyến kể lại ký ức chiến tranh và hoạt động cách mạng.
  • Ông U Huấn nhấn mạnh công lao các chiến sĩ và sự đáp đền của đất nước.
  • Chương trình thúc đẩy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm lịch sử.

Đoàn viên kiên trung

Từ sáng sớm, hơn 100 cụ ông, cụ bà là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã tề tựu đông đủ tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum. Những mái tóc bạc trắng, những bộ quân phục đã bạc màu theo năm tháng, lần lượt bước qua vọng gác.

Người lính trẻ đứng nghiêm, giơ tay chào những cựu binh đã từng xông pha trận mạc, với ánh mắt đầy kính trọng.

Gặp mặt tri ân chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Ninh từng bị địch bắt, tù đày vì tham gia hoạt động cách mạng

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Ở tuổi 72, bà Võ Thị Ninh, người từng hai lần bị địch bắt tù đày vì tham gia cách mạng, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Bà sinh ra và lớn lên tại TX.Kon Tum (nay là TP.Kon Tum), năm 15 tuổi được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tham gia hoạt động nội tuyến tại địa phương. Nhiệm vụ của bà là đưa đón cán bộ cách mạng, rải truyền đơn, nắm bắt số lượng địch ra vào các đồn.

Trong quá trình hoạt động, bà bị quân đội Sài Gòn bắt, giam giữ ở xà lim, bị tra tấn. Dù bị địch tra tấn suốt 6 - 7 tháng, bà Ninh vẫn giữ vững khí tiết của người đoàn viên thanh niên, kiên quyết không khai báo, nên sau đó được thả về.

Gặp mặt tri ân chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - Ảnh 2.

Những người lính từng xông pha trận mạc, giờ tóc đã pha sương, nhưng ký ức về những tháng năm khói lửa vẫn còn vẹn nguyên

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Năm 1972, khi chiến sự ác liệt nổ ra trên địa bàn Kon Tum, tổ chức quyết định rút bà về hoạt động ở địa bàn khác. Tuy nhiên, vì còn mẹ già, em nhỏ cần chăm sóc, bà Ninh xin ở lại.

Đến năm 1973, trong lúc đi mua bông băng, thuốc cầm máu để cứu thương cho chiến sĩ, bà bị địch phát hiện, truy bắt. Được sự hỗ trợ của tổ chức, bà trốn sang địa bàn khác và tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất.

"Bây giờ hòa bình, thống nhất rồi, đem lại tự do, độc lập cho nhân dân, đó là niềm hạnh phúc không chỉ đối với riêng tôi mà còn của đồng bào, nhân dân cả nước. Xin cảm ơn sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Nhà nước dành cho những người có công với cách mạng như chúng tôi", bà Ninh xúc động chia sẻ.

Đi thanh niên xung phong khi mới 16 tuổi

Trong bộ quân phục đã sờn bạc, ông Vũ Văn Xuyến nhanh nhẹn bước lên bục phát biểu. Là đại diện cho các thương binh tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của tỉnh Kon Tum, ông Xuyến xúc động chia sẻ những ký ức một thời.

Năm nay 76 tuổi, mái tóc trắng như cước, đôi mắt đã mờ, nhưng giọng nói ông vẫn trầm ấm. Ông kể, năm 1965, khi mới 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ, ông tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong. Lúc đó, ông được phân công vào tuyến lửa miền Trung, bảo đảm giao thông, vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho miền Nam.

Gặp mặt tri ân chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Xuyến tham gia thanh niên xung phong từ năm 16 tuổi, đã trải qua những thời khắc sinh tử khi đối mặt với mưa bom bão đạn

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Trong suốt thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong, ông nhiều lần đối mặt với mưa bom, bão đạn để giữ cho giao thông thông suốt. Đến năm 1967, ông Xuyến xin chuyển sang quân đội, tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ cho đến ngày đất nước thống nhất.

"Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến những người đã tham gia kháng chiến, đặc biệt là thương binh, liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng. Chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm, chăm sóc ấy, để những người từng đi qua lửa đạn như chúng tôi cảm thấy ấm lòng", ông Xuyến nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông U Huấn, Phó bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các chiến sĩ cách mạng kiên trung bị địch bắt tù đày.

Chương trình gặp mặt không chỉ là dịp tri ân sâu sắc, mà còn là cơ hội để các thế hệ hôm nay ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, tiếp thêm niềm tự hào, lòng biết ơn và trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Thủ tướng: Khẩn trương trình Quốc hội các cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả các dự án đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đướng sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026; giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Sắp thông hầm xuyên núi dài nhất cao tốc Bắc - Nam

Ống hầm phải cửa hầm phía Bắc, công tác khoan hầm đang bước vào giai đoạn nước rút. Đến nay, ống hầm này đã đào được 3.180/3.200m. Nhà thầu sẵn sàng cho công tác nổ mìn hợp long, thông hầm trước ngày 30/4 để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.