Thời sự

Fed nhấn mạnh sẽ tăng lãi suất nhanh hơn, chính sách tiền tệ tại Việt Nam sẽ như thế nào?

Ngày 7/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất lên cao hơn mức dự kiến trước đó và không loại trừ khả năng sẽ quay trở lại các mức tăng quy mô lớn như trong năm 2022.

"Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất", ông Powell nhấn mạnh.  

Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 1980. Hiện tại, lãi suất quỹ liên bang đang nằm trong phạm vi 4,5 - 4,75%.

 

Việt Nam vẫn phải tiếp tục thắt chặt hoặc nới lỏng theo Fed

Nhận định về việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng động thái cứng rắn hơn của Fed trong điều hành lãi suất có thể nhanh chóng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước. Ông nhắc lại Việt Nam không thể độc lập chính sách tiền tệ với Fed, "chúng ta vẫn phải tiếp tục chính sách thắt chặt hoặc nới lỏng theo Fed để kiểm soát tỷ giá".

 

Tuy nhiên, ông đánh giá lạm phát tại Mỹ không phải là vấn đề đáng lo ngại. "Tháng 1 là tháng lễ tết nên yếu tố mùa vụ đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh và nhiều khả năng xung lực tăng của tháng 2 và 3 sẽ chậm lại, mặt khác 6 tháng đầu năm 2022 là thời điểm chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ có xung lực tăng rất mạnh nên lạm phát sẽ tự giảm rõ nét trong các tháng tới khi chỉ số lạm phát được tính theo tăng trưởng so với cùng kỳ", ông phân tích.

CEO WiGroup dự báo đỉnh của lãi suất quỹ liên bang sẽ khoảng 5,5- 5,75%. Theo ông, mức lãi suất này đang thấp hơn mức lãi suất tín phiếu 6% mà NHNN Việt Nam duy trì làm 'sàn' của lãi suất liên ngân hàng. Với diễn biến như hiện tại thì áp lực tỷ giá là chưa quá căng thẳng để NHNN phải có những hành động mạnh tay hơn lúc này. 

 

 

 

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, NHNN

"Chúng ta chỉ còn một cách giảm cung tiền đồng trên thị trường, động thái này gián tiếp sẽ đẩy lãi suất tăng lên, như vậy có thể đạt được mục tiêu về tỷ giá nhưng lại không đạt được mục tiêu về lãi suất", ông nói.

Đại diện Yuanta Việt Nam cho rằng NHNN triển khai mọi phương án để kiềm chế tỷ giá là chính. "Trong bối cảnh hiện tại, việc kiềm chế cả tỷ giá và lãi suất là điều rất khó. Chúng ta buộc phải chấp nhận một trong hai, tỷ giá tăng hoặc lãi suất tăng, rất khó hài hòa được cả hai", ông nói thêm.

Theo ông dự báo, đến tháng 6, lãi suất quỹ liên bang mới đạt đỉnh 5,5-5,6%. Đồng nghĩa với việc áp lực lãi suất từ nay đến giữa năm vẫn cao.

"Chúng ta vẫn phải chấp nhận lãi suất neo cao, đồng thời đặt mục tiêu tỷ giá không tăng nóng quá. Vấn đề tỷ giá vẫn phải theo thị trường, tăng theo chỉ số USD nhưng mức tăng không cao hơn những đồng tiền khác.

Ngoài ra, lãi suất không một sớm một chiều hạ ngay trong bối cảnh cả thế giới đều tăng. Tôi dự báo nhiều khả năng Việt Nam giữ lãi suất ở mức đi ngang hoặc giảm rất nhẹ, bên cạnh đó kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá", ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.  

Trước khi Fed ra động thái mới nhất, cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến, hầu hết các chuyên gia và tổ chức trong nước đều kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn từ nửa cuối năm 2023.

Mới nhất, các chuyên gia của VNDirect cho rằng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II.

VNDirect dự báo Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023. 

Ngoài ra, hai yếu tố dự báo hỗ trợ là NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối và nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

Tuy vậy, các chuyên gia tại đây cho rằng mức giảm sẽ không lớn do lãi suất giảm sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, ông Hoàng Huy, Chuyên viên phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng lạm phát giảm và thị trường ngoại hối ổn định có thể hỗ trợ NHNN sớm chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ, có thể là vào nửa cuối 2023.  

Nới lỏng tiền tệ phụ thuộc vào xu hướng lạm phát những tháng tới

Dự báo về khả năng nới lỏng tiền tệ của Việt Nam, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng NHNN hiện đang khá thận trọng với vấn đề lạm phát, việc nới lỏng tiền tệ hay không phụ thuộc nhiều vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và xu hướng lạm phát của Việt Nam trong những tháng tới.  

"Công cụ mà NHNN ưu tiên sử dụng để vừa chống lạm phát vừa điều chỉnh tỷ giá là giá lãi suất. Quan điểm thận trọng nên NHNN sẽ chỉ hành động khi nào có tín hiệu phát ra và nguy cơ tăng lãi suất từ bên ngoài xuống mức thấp nhất.

Do đó, nếu lạm phát tháng 2 và tháng 3 giảm rõ rệt thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng lãi suất có xu hướng giảm", ông nói.      

Theo chuyên gia, một xu hướng nữa cần quan sát khi tính đến khả năng hạ lãi suất của NHNN là dự trữ ngoại hối. Sau hơn một năm bán ra để giữ giá VND, cơ quan quản lý đang muốn tích trữ ngoại hối trở lại.

"Hiện mặt bằng lãi suất đang giữ ở mức tương đối cao, không loại trừ khả năng nhà điều hành đang muốn giữ điều kiện này để thuận lợi hơn trong việc hút ngoại tệ. Lãi suất tiền Việt ở mức cao thì việc mua vào ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn.

"Trong những tháng tới, khi NHNN hoàn thành việc tích trữ ngoại hối, có thể kỳ vọng điều kiện của thị trường tiền tệ sẽ dễ dàng hơn. Khi dự trữ ngoại tệ dồi dào thì NHNN sẽ có nhiều dư địa để hạ lãi suất tiền Đồng. Khi hạ được lãi suất, triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn, không chỉ với ngành bất động sản và với tất cả các ngành khác", PGS.TS. Phạm Thế Anh cho hay.

Về lạm phát của Mỹ, ông dự báo đến tháng 5, lạm phát so với cùng kỳ của Mỹ sẽ rơi xuống khoảng 3,5% làm giảm khả năng tăng lãi suất của Fed.         

Cùng chuyên mục

Đọc thêm