Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2024 do BSA – Hội VN Hàng chất lượng cao, Vinamit và Trung Nguyên Legend đồng tổ chức vừa kết thúc ở hội trường Dinh Thống Nhất – TP.HCM. Sau nhiều vòng tranh tài, 14/36 dự án vào vòng Bán kết đã đạt các giải khác nhau ở bảng A và B.
Như những năm trước, bảng A là nơi tranh tài của các dự án ở giai đoạn ý tưởng – sơ khởi có thời gian hoạt động chính thức dưới 1 năm; còn bảng B là cuộc chơi của các dự án khởi nghiệp đã trưởng thành – có thời gian ra thị trường hơn 1 năm.
Cuộc thi năm nay có rất nhiều điều thú vị. Đầu tiên, có đến hơn ½ ý tưởng – dự án khởi nghiệp đoạt giải năm nay có liên quan đến ngành F&B hay dinh dưỡng. Thứ hai, năm nay còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của giới khởi nghiệp Tây Nguyên, khi 4/14 dự án đoạt giải đến từ vùng đất này.
Thứ ba là về thí sinh: 2/3 thí sinh tham gia là nữ và rất nhiều thí sinh đã và đang là giáo viên. Cuối cùng, về độ tuổi: cuộc thi có thí sinh trải dài từ tuổi 20 – với dự án “LucbinhGauze – Băng gạc sinh học từ cây lục bình” của bộ 3 sinh viên Đại học Trà Vinh, đến U70 – với dự án “Măng tre bốn mùa Ba Sang Đắk Som” của vợ chồng ông Lê Minh Hoàng (Đắk Nông).
Bảng A năm nay có 12 thí sinh và dự án “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” của Mai Tuấn Anh thuộc TP.HCM đá đánh bại tất cả để lên ngôi vô địch. Các loại bánh low-cab của Cusami có cả nhân ngọt lẫn mặn, được làm từ khoai mì (pv- miền Trung/Bắc gọi là củ sắn) trồng rất nhiều ở Củ Chi. Hiện tại, ý tưởng của Founder Mai Tuấn Anh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và sản phẩm chưa thương mại hóa rộng rãi ở thị trường TP.HCM.
2 Giải nhì bảng A thuộc về dự án “Chanh rừng Co Loi - Mẫu Sơn và các sản phẩm từ chanh rừng hướng tới chuẩn OCOP” của Nguyễn Thị Phương Thuỳ - Tô Phương Quỳnh (Lạng Sơn); và dự án “Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi lọc khí" của nhóm dự án Thông Long, Nguyễn Thị Kiều Loan, Nguyễn Ngọc Vân Anh (Bình Thuận).
2 Giải ba bảng A là của dự án “ Dalat Chicory Tea - Trà sức khoẻ từ cây bồ công anh tím canh tác hướng hữu cơ tại Đà Lạt" của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Thêu - Lê Quang Khải (Lâm Đồng); và “Sản xuất chén đĩa từ mo cau” của Đào Thị Vân (Đắk Lắk).
Khác với bảng A, ‘chiến trường’ ở bảng B hết sức khốc liệt với 24 thí sinh cùng tranh tài. Vượt qua tất cả, dự án “Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm" của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn - Nguyễn Ngọc Thanh Hà (Đồng Tháp) đã về đích đầu tiên. Đây là dự án của công ty TNHH Nông trại 123, với các dòng sản phẩm như trái cây sấy dẻo, trà thảo mộc – trà trái cây, bánh truyền thống và nguyên liệu bán thành phẩm cho B2B.
2 dự án về nhì bảng B là “Nâng cao giá trị quả bơ Tây Nguyên - Mỹ phẩm thiên nhiên Pơ Lang” , do nhóm thí sinh Phạm Thị Thu Hằng, Vũ Thị Huệ, Đinh Huy Thắng (Đắk Lắk) triển khai; và dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong tổ chức liên kết nuôi heo thảo dược vi sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát" của nhóm Nguyễn Thị Hoài Sen - Nguyễn Thị Hiền (Quảng Bình).
3 Giải ba là của dự án “Nâng tầm giá trị của chiếc chiếu truyền thống thành những sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại” với chủ dự án là Lê Thị Phương Thảo (An Giang); dự án “Bảo tồn và phát triển ẩm thực cộng đồng Kontum” , của 2 nhà sáng lập Nguyễn Đức Hoàng - Nguyễn Ngọc Luyến; dự án “Sản phẩm quà tặng thiết kế sang trọng từ rác thải vỏ sò ốc” , của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Hồng Lan, Dương Quang Chung, Phan Trần Thanh Trúc (Vũng Tàu).
Cuối cùng, 3 Giải khuyến của bảng B thuộc về: dự án “Sản xuất trà OolongSen từ 100% lá sen tươi” , của bộ ba Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trương Thị Ngọc Như (Đồng Tháp); “Thương hiệu Cỏ Cây Hoa Lá" của nhóm thí sinh Tô Mỹ Linh, Nguyễn Thị Ngọc Bích (Hà Nội); và “ Đà Giang Food - Thực phẩm sạch từ tranh trại đến bàn ăn kết hợp du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Hoà Bình" của nhóm thí sinh Trịnh Thanh Hòa, Nguyễn Mai Hồng, Đinh Thị Mai.