TP HCM tiếp tục thiếu nguồn cung đất công nghiệp mới
Theo dữ liệu tổng hợp từ các đơn vị nghiên cứu thị trường trong quý II vừa qua, nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng nhẹ ở miền Bắc và giữ ổn định ở miền Nam. Trong đó, tổng nguồn cung lũy kế tại miền Bắc khoảng 16.200 ha và miền Nam khoảng 28.200 ha. Tỷ lệ lấp đầy tăng 1 điểm % trên toàn thị trường, với miền Bắc là 84% và miền Nam là 93%.
Avison Young Vienam cho biết TP HCM chưa ghi nhận thêm khu công nghiệp (KCN) mới nào đi vào hoạt động, giữ tổng nguồn cung đất công nghiệp gần 5.000 ha. Hoạt động tại các KCN hiện hữu ổn định với tỷ lệ lấp đầy 90% và giá thuê trung bình 243 USD/m2/kỳ hạn (tương đương hơn 6 triệu đồng/m2/kỳ hạn).
Một số KCN còn trống trên địa bàn là KCN Hiệp Phước 2 – Nhà Bè (lấp đầy 35%), KCN Tân Phú Trung – Củ Chi (lấp đầy 65%), KCN Tân Tạo 2 – Bình Tân (lấp đầy 78%), KCN Lê Minh Xuân III – Bình Chánh (lấp đầy 80%)…
Các KCN có giá thuê cao hơn mức trung bình là Khu công nghệ cao – giai đoạn 1 (370 USD/m2), KCN tân Bình (320 USD/m2), KCN Cát Lái (320 USD/m2), KCN Hiệp Phước I và II (280 USD/m2), KCN Bình Chiểu (255 USD/m2), KCN Vĩnh Lộc (250 USD/m2).
Theo lộ trình đã được công bố trong hai năm tới, TP HCM tập trung phát triển 4 KCN mới (Phạm Văn Hai 1 và 2, Vĩnh Lộc 3, Nhị Xuân) với tổng diện tích hơn 1.000 ha, trong đó KCN Phạm Văn Hai I và II dự kiến khởi công trong quý III/2025.
Dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP HCM bổ sung thêm 14 KCN với tổng diện tích hơn 3.800 ha. Các KCN mới này sẽ áp dụng mô hình phát triển thông minh, chuyên biệt theo ngành và thân thiện với môi trường. Các KCN hiện hữu cũng sẽ được chuyển đổi thành khu công nghệ cao, sinh thái, tích hợp dịch vụ và logistics.

KCN Lê Minh Xuân mở rộng. (Nguồn: khangphuchouse.com.vn).
Miền Nam dự kiến có thêm 7.000 ha đất công nghiệp mới
Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Cushman & Wakefield thống kê tổng nguồn cung đất công nghiệp hiện hữu tích lũy tăng 4% so với cùng kỳ và tăng 3% so với quý trước, ước đạt 29.255 ha trong quý II vừa qua. Bình Dương cũ dẫn đầu nguồn cung khi chiếm tỷ trọng 29,5% và theo sau là Đồng Nai cũ với hơn 25%.
Số liệu này bao gồm hơn 1.000 ha từ khu công nghiệp vừa được khánh thành do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) làm chủ đầu tư, bao gồm KCN Cây Trường rộng 700 ha và KCN Bàu Bàng mở rộng - giai đoạn 2 rộng 380 ha.
Tổng diện tích hấp thụ thuần khoảng 77 ha, giảm 4% so với quý trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Long An cũ dẫn đầu với tỷ lệ hấp thụ 39% và tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu với 29%.
Giá chào thuê trung bình tiếp tục tăng nhẹ hơn 1% lên khoảng 179 - 190 USD/m2/thời hạn thuê, tương đương 4,7 - 5 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê.
Cushman & Wakefield đưa ra dự báo giai đoạn 2025 - 2028, thị trường đất công nghiệp miền Nam sẽ đón nhận khoảng 7.000 ha đất mới, đặc biệt là khu Hiệp Phước III với quy mô 500 ha.
Động lực cho các khu công nghiệp phát triển
Việc sáp nhập Bình Dương, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TP HCM mới sẽ tạo ra vùng trọng điểm kinh tế với ba trụ cột: TP HCM là trung tâm tài chính, Bình Dương là thủ phủ công nghiệp và Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ logistics. Đồng thời, các dự án hạ tầng lớn như Vành Đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp.
Theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, việc sáp nhập diễn ra ở các tỉnh lân cận TP HCM mới như Long An và Tây Ninh sẽ mở rộng không gian phát triển, nâng cao khả năng kết nối giữa các khu công nghiệp và hạ tầng liên vùng. Điều này không chỉ gia tăng diện tích đất công nghiệp mà còn tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế miền Nam.

(Nguồn: Avison Young Vietnam).
Riêng TP HCM, ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam, cho biết dòng vốn FDI ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về chất lượng, đóng góp thêm công nghệ và tri thức mới. Tuy vậy, để đạt mục tiêu 7 tỷ USD trong năm nay, thành phố cần tăng tốc trong 6 tháng tới, thông qua các cải cách thủ tục mạnh mẽ hơn và chính sách ưu đãi linh hoạt hơn.
Nhìn chung, nhiều chính sách và quy định pháp lý liên quan đến bất động sản công nghiệp đang được cập nhật liên tục, như quy trình cấp phép đặc biệt cho dự án công nghệ cao, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định mới về thẩm quyền chấp thuận đầu tư.
Ông nhận định về mặt tích cực, các biện pháp cải cách hành chính giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh khu vực và thu hút FDI chất lượng cao.