
Miếng thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - Ảnh: SHOJI TAKEUCHI/THE UNIVERSITY OF TOKYO
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo mới đây tuyên bố đã đạt được bước đột phá trong sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm khi tạo ra những miếng thịt gà cỡ nhỏ trong một thiết bị có thể mô phỏng mạch máu để cung cấp dưỡng chất và oxy cho mô nhân tạo.
Theo trang IFLScience ngày 17-4, không dễ để tạo ra các mô như thật trong phòng thí nghiệm, đặc biệt là khi phải đảm bảo chúng nhận được đủ oxy và dưỡng chất. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này, song hầu hết các phương pháp hiện tại không thể áp dụng đồng đều trên quy mô lớn.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một công cụ mới gọi là lò phản ứng sinh học sợi rỗng có thể truyền dịch. Hệ thống, bao gồm các sợi nhỏ dạng ống, hoạt động như mạch máu nhân tạo để đưa máu và dưỡng chất đến toàn bộ mô.
Những sợi này không chỉ giúp tế bào sống mà còn giúp tế bào phát triển đúng hướng, nhờ vào các "mỏ neo siêu nhỏ" giữ mọi thứ cố định tại chỗ. Công nghệ này giúp miếng thịt gà được nuôi trong phòng thí nghiệm có cấu trúc cơ chắc khỏe hơn và cải thiện cả kết cấu lẫn hương vị.
Nhờ đó, nhóm có thể tạo ra những miếng thịt gà dài tới 2cm, dày 1cm và nặng khoảng 11g với hơn 1.000 sợi rỗng chạy qua nó.
Nhóm cũng thiết lập hệ thống robot để đặt các mạng lưới sợi rỗng này. Điều này có thể dẫn đến việc tự động hóa hoàn toàn của phương pháp nuôi cấy thịt gà dạng này trong tương lai gần. Đồng thời có thể đưa khái niệm "thực phẩm chế biến" lên tầm cao mới.
Nhóm nghiên cứu cho rằng công nghệ của họ cung cấp sự thay thế bền vững cho thịt gà truyền thống. Với hương vị và kết cấu thịt được cải thiện, nhóm hy vọng có thể đẩy nhanh khả năng thương mại của thịt nhân tạo trong tương lai.
Ngoài ra, công nghệ này có thể mở đường cho việc nuôi cấy các loại thịt khác ngoài thịt gà, chẳng hạn thịt heo, bò và cá trong phòng thí nghiệm, theo báo Guardian. Công nghệ này cũng có tiềm năng ứng dụng để sản xuất nội tạng.
Thêm vào đó, sợi ăn được cũng mở ra nhiều khả năng khác, chẳng hạn tăng cường kẽm và selenium vào thịt để tăng sức đề kháng cho người cao tuổi. Nhóm cũng cân nhắc thêm xốt masala vào sợi để tăng hương vị cho miếng thịt gà.
Với đủ nguồn tài trợ, nhóm tin rằng các sản phẩm dựa trên công nghệ này có thể có mặt trên thị trường từ 5-10 năm nữa.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Trends in Biotechnology.