Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự bùng nổ trong hai năm vừa qua. Sang năm 2022, thị trường rung lắc trong những tháng đầu năm do những biến động đến từ căng thẳng địa chính trị, nỗi lo về lạm phát khi giá dầu mỏ và hàng hóa leo thang.
Tuy nhiên, dòng tiền lớn vẫn đổ vào kênh đầu tư này trong bổi cảnh lãi suất vẫn đang ở vùng thấp. Minh chứng rõ nét là thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên được duy trì và mỗi tháng vẫn có thêm hàng trăm nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới.
Trong bối cảnh hiện tại, câu chuyện margin vẫn là một chủ đề nóng. Đỉnh điểm sức căng margin vào cuối năm 2020, đây được cho là tác nhân chính trong những đợt điều chỉnh sâu của thị trường.
Quan sát hoạt động của 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường cho thấy giá trị cho vay ký quỹ tăng theo cấp số nhân trong hai năm qua. Thời điểm cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay ký quỹ tại 20 CTCK lớn nhất đạt 153.464 tỷ đồng (gần 6,8 tỷ USD), tăng 76.970 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Con số này gấp gần 3 lần thời điểm cuối 2019.
Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của thị trường xuất hiện công ty chứng khoán cho vay margin với quy mô gần 1 tỷ USD. Tại ngày 31/12/2021, giá trị cho vay ký quỹ của Chứng khoán SSI (Mã: SSI) là 22.746 tỷ đồng, tăng 13.734 tỷ đồng so với cuối năm 2020. So với các đơn vị cùng ngành, SSI là công ty đẩy mạnh cho vay margin nhất trên thị trường.
Dư nợ cho vay margin của 20 công ty lớn nhất thị trường.
Sự tăng trưởng về margin tại các CTCK nhờ nguồn vốn bổ sung từ tăng vốn điều lệ và huy động vốn từ nhóm định chế tài chính trong và ngoài nước. Vốn điều lệ của 20 CTCK lớn nhất như đã nêu đã tăng gần 1 tỷ USD (22.555 tỷ đồng) năm 2021, cao hơn đáng kể mức tăng 2.883 tỷ đồng của 2020 và 4.803 tỷ đồng của 2019. Trong đó, 10 CTCK lớn nhất đều thực hiện tăng vốn trong năm qua.
Tuy vậy, phải nói rằng việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu sẽ tốn nhiều thời gian. Đặc biệt ở những tổ chức có sự đồng hành của các cổ đông lớn là tổ chức, đối tác chiến lược nước ngoài, cần chuẩn bị về nguồn lực và đảm bảo đầy đủ điều kiện để phát hành thành công. Khi đó, nguồn vốn thông qua các hợp đồng tín chấp sẽ đảm bảo cho kế hoạch sử dụng vốn linh hoạt của các công ty.
Những ‘deal’ gọi vốn ngoại khủng của các công ty chứng khoán. Nguồn: Tác giả tổng hợp.
Như đã nêu, song hành xu hướng tăng vốn điều lệ, các CTCK đẩy mạnh huy động vốn từ các định chế tài chính, nổi bật là các tổ chức quốc tế từ Hàn Quốc và Đài Loan. Song huy động vốn quốc tế lại có sự phân nhóm rõ nét, các CTCK lớn đang chiếm ưu thế hơn trên "sân chơi" gọi vốn ngoại. Quy mô của các hợp đồng vốn từ nhóm định chế tài chính quốc tế liên tục phá kỷ lục mới. Những hợp đồng có giá trị hàng trăm triệu USD xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Nếu như trong năm 2021, Chứng khoán SSI được nhóm định chế tài chính từ Đài Loan là UBOT và Fubon giải ngân 118 triệu USD, đánh dấu quy mô "khủng" nhất tại thời điểm đó. Sang năm 2022, đơn vị này tiếp tục huy động được 148 triệu USD (3.385 tỷ đồng) từ nhóm UBOT - Taishin. Quy mô hợp đồng này là lớn nhất của một nhóm đối tác quốc tế với một công ty chứng khoán tại Việt Nam.
Ngày 4/4/2022, SSI phát đi thông báo đã nhận giải ngân xong 148 triệu USD vốn tín chấp nước ngoài
Theo tìm hiểu, đây là lần thứ ba UBOT tham gia cấp vốn cho SSI với vai trò là một trong 2 MLABs cùng với Taishin và quy mô liên tục tăng từ 85 triệu USD.
Từ xu hướng trên cho thấy rằng dòng vốn ngoại vẫn đang quan tâm lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng tiền mới từ các tổ chức quốc tế vẫn đang ồ ạt đổ vào thị trường thông qua các công ty chứng khoán lớn có mối quan hệ đối tác lâu năm.