Đã có hướng xử lý
Mới đây, UBND TP.HCM đã phân công Sở Xây dựng TP.HCM tham mưu phương án, giải quyết khó khăn tại 4 dự án nhà ở trên địa bàn quận 8 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 làm chủ đầu tư, gồm: Chung cư An Sinh (phường 4); Khu tái định cư Trương Đình Hội 3 (phường 16); Khu nhà ở xã hội số 314 đường Âu Dương Lân (phường 3) và Khu tái định cư Trương Dình Hội 2 (phường16).
Cả 4 dự án này đều để lại nhiều tai tiếng trên thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM vì vướng mắc của chủ đầu tư và khách hàng, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Hồi tháng 11/2017, Thanh tra TP.HCM thanh tra toàn diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 và kết luận 4 dự án này đều có những khó khăn, vướng mắc.
Tháng 2/2021, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận về trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND quận 8 trong các năm 2018-2019.
Theo kết luận, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo (đơn vị hợp tác phát triển với chủ đầu tư) đã tổ chức huy động vốn trái quy định tại dự án Chung cư cao tầng An Sinh (Asa Light) và Khu tái định cư Trương Đình Hội 2 với tổng số tiền khoảng 381 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện hoàn trả cho người dân khoảng 265 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động vốn trái phép 234 tỷ đồng đối với dự án Chung cư An Sinh và 31 tỷ đồng đối với dự án Khu tái định cư Trương Đình Hội 2, gây nhiều bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo…
Ngoài ra, dự án Khu dân cư Trương Đình Hội 3 cũng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để xin Sở Xây dựng TP.HCM điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh dự án nhưng nhiều căn nhà đã xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng chưa đúng quy định.
Đến đầu tháng 3/2022, tại thông báo về buổi làm việc của Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân với UBND quận 8 cho thấy, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 không đảm bảo yêu cầu về năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu) để được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư dự án theo quy định đối với các dự án nêu trên.
Vì vậy, trên cơ sở phân công của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM chia làm từng nhóm để giải quyết.
Cụ thể, nhóm 1 - các dự án được chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của DN hợp tác, gồm: Dự án Chung cư cao tầng An Sinh, Khu tái định cư Trương Đình Hội 2
Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị chủ đầu tư rà soát, tổ chức kiểm toán để xác định các khoản chỉ phí đã đầu tư để thực hiện đối với từng dự án đến thời điểm hiện nay (bao gồm: chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng của từng dự án...). Đồng thời, xác định lại quy mô, tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, năng lực tài chính của chủ đầu tư và phương thức đầu tư, hợp tác đầu tư thực hiện dự án trong thời gian tới và tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng TP.HCM.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của công ty và UBND quận 8, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ rà soát, báo cáo, trình UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo đối với việc tiếp tục thực hiện dự án. Chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị hợp tác đầu tư khẩn trương hoàn trả khoản tiền mà đơn vị hợp tác đã huy động của người dân không đúng quy định tại từng dự án.
Nhóm 2 - các dự án có nguồn gốc là đất do Nhà nước quản lý và ngân sách Nhà nước tạm ứng, gồm: Khu nhà ở xã hội số 314 đường Âu Dương Lân, Khu tái định cư Trương Đình Hội 2.
Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị phía chủ đầu tư tiến hành rà soát, tổ chức kiểm toán để xác định các chi phí đã đầu tư đối với từng dự án; tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận 8.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ rà soát trình UBND TP.HCM xem xét đề xuất đấu thầu chọn chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo mục tiêu ban đầu của từng dự án đã được phê duyệt.
Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất kiến nghị UBND TP.HCM giao tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề xuất của UBND quận 8 để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành 4 dự án nêu trên theo mục tiêu đã đề ra.
Động thái này của UBND TP.HCM cho thấy, thành phố đã có sự vào cuộc sau nhiều lần tổ chức gặp gỡ DN trên địa bàn để lắng nghe, giải quyết khó khăn nhưng không có lối ra. Và hồi tháng 7/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định rằng, thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 118 dự án BĐS trên địa bàn. Đây là điều, các DN địa ốc chờ đợi từ lâu và có niềm tin những dự án vướng mắc sẽ được đẩy nhanh tiến độ xử lý trong năm 2023.
Doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu
Hơn 6 năm qua, thị trường BĐS TP.HCM chứng kiến những DN địa ốc lớn, nhỏ đều gặp vô số những vướng mắc tại dự án đang triển khai hoặc nắm trong tay quỹ đất nhiều mà không làm gì được.
Tình trạng này kéo dài, khiến thị trường BĐS TP.HCM phát triển không ổn định. Minh chứng là hơn 5 năm qua, giá nhà ở đã tăng chóng mặt và hiện nay những người có nhu cầu ở thực khó lòng sở hữu nhà ở với mức giá dưới 2 tỷ đồng. Đồng thời các DN cũng "khó thở", nhất là ở thời điểm dòng vốn tắc nghẽn.
Đơn cử như một DN có tiếng ở TP.HCM nói với Nhadautu.vn rằng, năm 2016, DN ghi dấu tên tuổi trên thị trường với dự án nhà ở tại quận 9 với lượng hấp thụ cực cao. 6 năm trôi qua, DN không có dự án mới nào tung ra thị trường dù quỹ đất nhiều. Để duy trì bộ máy, DN phải bán một số quỹ đất và mở rộng thị trường ra các tỉnh vùng ven.
"DN đã chịu nhiều sức ép trong 6 năm qua vì không có dự án mới, cộng thêm việc siết tín dụng thời điểm hiện nay càng khó khăn hơn. Những động thái “cởi trói” dự án mắc kẹt của UBND TP.HCM trong thời gian gần đây đã tạo thêm niềm tin cho các chủ đầu tư", bà B.N nói và hy vọng, sang năm, chính quyền sẽ giải quyết nhiều dự án vướng mắc hơn nữa để thị trường BĐS TP.HCM phát triển ổn định.
Cùng chung cảnh ngộ, một DN khác cho biết, công ty đã chờ đợi hơn 7 năm để được giải quyết vướng mắc của các dự án. Dự án có 3 block, 2 block đã mở bán năm 2016, còn 1 block mở bán từ năm 2017 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.
"Có dự án ra mắt thị trường năm 2019, triển khai thi công xong hầm móng thì lại không tiếp tục được cấp phép xây dựng do việc chuyển đổi nguồn gốc đất từ đất sản xuất sang đất nhà ở", bà M.T, Giám đốc DN này nói thêm.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, chỉ tính trong 3 năm (từ ngày 10/12/2015 - 9/2018) đã có hơn 126 dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM bị vướng thủ tục công nhận chủ đầu tư, do các dự án này không thỏa điều kiện có 100% đất ở. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường BĐS và cho nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và là một trong các nguyên nhân làm giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở, đẩy giá nhà tăng cao.
"Bình quân mỗi dự án có mức đầu tư là 1.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của 126 dự án lên đến 126.000 tỷ đồng, Nhà nước có thể thất thu thuế GTGT (10%) là 12.600 tỷ đồng. Nếu những dự án này có lãi 20% với lợi nhuận 25.200 tỷ đồng thì Nhà nước có thể thất thu thuế TNDN (20%) hơn 5.000 tỷ đồng, chưa tính các nguồn thu khác sau dự án", ông Châu lấy ví dụ.
Các DN địa ốc TP.HCM mong chờ việc "cởi trói" các dự án vướng mắc, đơn giản quy trình thủ tục pháp lý sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong năm 2023 bởi trong suốt khoảng thời gian ngưng trệ, họ đã tăng chi phí đầu tư, chi phí quản lý và bị đọng vốn. Hơn hết, DN đã mất doanh thu, cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, nhất là trong bối cảnh dòng tiền "khó".