Theo thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập thêm 8 khu công nghiệp (KCN).
Cụ thể, gồm: Long Đức (giai đoạn 2), Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn, Phước Bình 2, Cẩm Mỹ và Amata mở rộng giai đoạn IIIB. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Đồng Nai sẽ có thêm khoảng 7.573 ha đất khu công nghiệp.
Đồng Nai có 3 KCN được Chính phủ phê duyệt và đưa vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam từ gần 10 năm trước nhưng đến giữa tháng 3/2022, vẫn chưa thành lập là KCN Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), KCN Phước Bình (huyện Long Thành).
Ngoài ra, tỉnh này có 8 KCN được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt cho mở rộng nhưng nhiều năm chưa xong như: Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo (huyện Trảng Bom); Amata (TP Biên Hòa); Dầu Giây (Thống Nhất); Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc); Định Quán (huyện Định Quán); Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch).
Nguyên nhân chủ yếu do vướng quy hoạch, thủ tục, đất đai. Trong đó có những dự án mở rộng KCN đã kéo dài hơn 10 năm cũng chưa hoàn thành.
Theo quy hoạch, Đồng Nai còn hơn 1.000 ha đất công nghiệp cho thuê, nhưng thực tế những khu đất này chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, vì trong quá trình hoàn tất thủ tục trình phê duyệt hoặc đang giải phóng mặt bằng.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích 10.270 ha. Trong đó, có 31 KCN đang hoạt động và một KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất xây dựng hạ tầng. Các KCN của tỉnh đã cho thuê khoảng 5.860 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 82%.
Về tình hình thu hút đầu tư, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong quý I/2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư gần 150 triệu USD. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 142 triệu USD, vốn đầu tư trong nước gần 8 triệu USD. Kê hoạch năm 2022, tỉnh sẽ thu hút gần 800 triệu USD vào các khu công nghiệp.