Kaisikornbank (KBbank) là một trong 3 ngân hàng lớn nhất tại Thái Lan, được biết đến với thương hiệu "ngân hàng xanh", biểu tượng hình cây lúa. Đại diện KBank cho biết, điều này thể hiện mong muốn của ngân hàng là hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Thành công tại thị trường Thái Lan đã tạo điều kiện để KBank thực hiện chiến lược vươn tầm ra các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Với việc khai trương chi nhánh mới vào 12/11/2021, ngân hàng quyết tâm chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á.
Ông Chat Luangarpa, Phó Chủ tịch Điều hành KBank xuất hiện tại Talkshow Nguy Cơ trên VnExpress sáng 1/12 để cùng trò chuyện với người dẫn Thái Vân Linh về những khó khăn, thách thức, cùng tâm thế đã chuẩn bị khi bước chân vào thị trường mới.
Ông Chat Luangarpa là một trong số ít khách mời tham dự talkshow và đưa ra những nhận xét về tiềm năng phát triển của Việt Nam từ góc độ đầu tư nước ngoài. Ông cho biết, để hòa mình dần vào môi trường kinh tế địa phương, KBank đặt trọng tâm đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm ngân hàng, đồng thời tham gia đầu tư cho các công ty khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực gắn liền với đời sống như giáo dục, sức khỏe...
Vị thế của thị trường Việt Nam
"Việt Nam với 100 triệu dân đã sẵn sàng bước vào thời kỳ siêu tăng trưởng", ông Chat Luangarpa nhấn mạnh khi nói về tiềm năng của thị trường mới. Vị đại diện nhận định, Đông Nam Á có thể trở thành nơi có động lực tăng trưởng toàn cầu mới và Việt Nam sẽ là nước dẫn đầu vòng tăng trưởng này.
Đánh giá về những thách thức khi bước chân vào thị trường mới trong bối cảnh cơn bão lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, ông Chat cho biết, đây là hiện tượng tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt, tuy nhiên quốc gia nào thoát khỏi khủng hoảng đầu tiên sẽ là nơi sở hữu sức tăng trưởng mạnh mẽ. Từ góc nhìn này, KBank nhận định, dù đang ở thời kỳ khó khăn, Việt Nam vẫn là nơi tuyệt vời cho hoạt động kinh doanh, bước đi chiến lược của ngân hàng tại đây là quyết định đúng đắn, hợp thời điểm.
Một trong những tiềm năng của Việt Nam theo ông Chat Luangarpa là quy mô thị trường nội địa lớn, giàu cơ hội phát triển, đặc biệt số lượng người dân chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng chiếm tỉ trọng cao. "Xét về kinh tế, trong vòng tăng trưởng này, Việt Nam rất mạnh trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao, không chỉ với tư cách là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) mà còn có các sản phẩm của nhiều thương hiệu nội địa, yếu tố này mang đến khả năng tăng trưởng cho Việt Nam", đại diện KBank nhấn mạnh.
KBank đã lên kế hoạch vào Việt Nam trong một thời gian dài, bắt đầu bằng việc mở văn phòng đại diện từ 6 năm trước và sau đó là thành lập chi nhánh chính thức vào tháng 11/2021, ông lớn ngân hàng tới từ Thái Lan kỳ vọng sẽ có thể thể tham gia, đóng góp một phần hỗ trợ kinh tế Việt Nam phát triển.
Hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại thị trường Việt Nam, Kbank theo chân các nhà đầu tư Thái Lan để tận dụng sự kết nối mạnh mẽ vốn có giữa hai quốc gia. Ngoài ra, ngân hàng cũng cho rằng sự tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn. "Ở những nơi chúng tôi đến trên khắp Việt Nam, đâu đâu cũng thấy các cửa hàng, điều này cho thấy tinh thần kinh doanh trong con người Việt Nam rất mạnh mẽ. Vì vậy, trọng tâm bước đầu của KBank tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đang đóng góp 40% cho nền kinh tế nước nhà và trong tương lai sẽ còn tiếp tục tăng", ông Chat nhận định.
Tại Thái Lan, KBank được nhận định là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những quan điểm được ngân hàng duy trì trong suốt quá trình hoạt động là doanh nghiệp nhỏ sẽ sớm phát triển và trở thành một phần quan trọng của mỗi quốc gia.
Để hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, KBank đã làm việc với các đối tác công nghệ để cung cấp sản phẩm cho vay KBank Biz Loan, tập trung vào nhóm những người buôn bán trực tuyến. Đây là gói tín chấp với hạn mức từ 10 đến 300 triệu đồng. Cho phép chủ doanh nghiệp có thu nhập trung bình tháng từ 5 triệu đồng trong 6 tháng gần nhất là có thể đăng ký vay vốn.
Đối với thị trường Việt Nam, KBank hướng tới xây dựng mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp. Không chỉ hỗ trợ trong việc vay vốn, ngân hàng đến từ Thái Lan dự định hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ trong việc quảng cáo, tiếp thị phù hợp nhu cầu mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền từ giai đoạn ban đầu. Một trong những chương trình được KBank triển khai là "Unleash your business with KBank Biz Loan" (Mở rộng hoạt động kinh doanh của bạn với ngân hàng KBank), nơi khách hàng có thể tiếp cận với gói quảng cáo trực tuyến hấp dẫn, để họ giới thiệu doanh nghiệp tới nhiều nhóm người hơn.
"Khi xây dựng tệp khách hàng mới, chúng tôi không nghĩ về sự hợp tác ngắn hạn. KBank muốn tạo ra một mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ cho họ ở thời điểm này, mà còn phát triển cùng với khách hàng của mình trong tương lai". Ông Chat Luangarpa cho biết.
"Công nghệ là cốt lõi cho tương lai phát triển thịnh vượng"
Ngay từ những phút đầu của talkshow, khi được hỏi chiến lược kinh doanh của KBank phù hợp với phép tính nào trong bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ông Chat lựa chọn phép tính cộng, thể hiện việc tích hợp công nghệ vào hoạt động ngân hàng. "Dấu cộng có nghĩa là thêm vào những lợi ích và nhiều thứ khác hơn nữa cho người dùng", vị đại diện KBank nhấn mạnh. Đây cũng là chìa khóa cho những bước phát triển trong thời gian tới của ngân hàng khi cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
KBank đầu tư mạnh mẽ để phát triển công nghệ tài chính trong bối cảnh các thiết bị di động đang trở thành một phần không thể thiếu của đời sống. Ngoài ngân hàng, các lĩnh vực khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại đều đang hướng tới internet và thiết bị di động. Tại thị trường Việt Nam, một thị trường đang là trọng tâm mở rộng, KBank phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nội địa để có thể hòa mình dần với đời sống tại Việt Nam.
Công ty đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bằng cách thành lập Kvision để phân bổ các quỹ đầu tư, vừa tạo mối quan hệ hợp tác đồng thời rót tiền cho các startup thú vị, giàu tiềm năng phát triển bền vững. KBank cho biết không chạy theo các công nghệ xu hướng mà tập trung chủ yếu vào những công nghệ gắn liền với đời sống của người dân như giáo dục, sức khỏe... từ đó đưa dịch vụ ngân hàng đi sâu vào hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ông Chat nhận định các doanh nghiệp cần phải cân nhắc nhiều yếu tố trước khi làm việc với ngân hàng. Ngoài những yếu tố thông thường liên quan đến sự ổn định và thận trọng, ông khuyến nghị các doanh nghiệp nên cân nhắc những ngân hàng có công nghệ mạnh, vì trong tương lai, công nghệ sẽ trở thành năng lực cốt lõi của không chỉ ngân hàng mà của mọi doanh nghiệp. "Tôi tin rằng một ngân hàng lấy công nghệ làm cốt lõi sẽ phát triển thịnh vượng trong tương lai", ông nhấn mạnh.